Chuyện Tình Như Huyền Thoại

Chương 25

Evan Hughes là người phụ nữ rất đặc biệt. Gideon biết rõ như thế. Cô là người phụ nữ đầu tiên anh thành thực muốn đi đến hôn nhân. Nhưng trong mấy tuần qua, có nhiều chuyện căng thẳng đột ngột xảy ra giữa hai người, và anh suy nghĩ lại.

Anh thở dài. Anh không thích chuyện không hay này, nhưng tinh thần anh cứ dao động, bất ổn. Nguyên do khiến anh hoang mang là vì thái độ của cô đối với bố mẹ cô trong thời gian gần đây, nhất là thái độ của cô đối với bố. Gideon thấy thái độ của cô rất kỳ cục, vì cô quá sợ ông Owen Hughes. Bố cô là người dễ thương thật đấy, nhưng quá buồn. Thực vậy, ông ta là con người bình thường. Vẻ ngoài rất đẹp. Và chỉ có thế. Anh thích ông Owen, thế nhưng, chính mẹ của Evan mới là người làm cho anh kinh ngạc. Bà Marietta nồng nhiệt, đáng yêu, vui vẻ, rất thông minh và hình như bà hoàn toàn khỏe mạnh. Anh hoàn toàn không thấy bà có dấu hiệu gì mắc chứng trầm cảm. Anh tự hỏi không biết cái gì đã làm cho Evan quá lo sợ về sức khỏe của mẹ cô, và anh ngạc nhiên khi thấy cô run sợ nghĩ rằng cô có thể bị căn bệnh của mẹ di truyền.

Rõ ràng khi Evan còn nhỏ thì Marietta bị chứng trầm cảm, chắc cô không bịa ra chuyện như thế về mẹ cô làm gì. Nhưng nhờ cái gì khiến cho bà hết bệnh một cách kỳ lạ như thế? Ồ, mà phải, anh lẩm bẩm nói với mình, bây giờ thuốc men tiến bộ rất nhiều. Vì thế mà Marietta có sức khỏe tốt như thế. Bà rực rỡ thật.

Anh vẫn còn giận Evan vì cô không nói cho bố mẹ cô biết cô đã đính hôn với anh, không chịu đeo chiếc nhẫn vào hôm nọ đi ăn trưa ở khách sạn Dorchester. Anh rất đau đớn vì chuyện này, và rất thất vọng vì cô quá... hèn nhát. Cô không dám nói với bố sự thật về huyết tộc của ông. Mới đầu thì vấn đề này đối với Gideon không có gì quan trọng, nhưng dù sao thì bây giờ nó trở thành quan trọng. Anh muốn ông Owen Hughes biết bố đẻ của ông là ai, để biết ông là người trong gia đình Harte và vì vậy Evan cũng thế.

Tiếc thay cô không hành động như người thuộc gia đình Harte, anh nghĩ. Nói tóm lại đấy là căn nguyên khiến cho anh bất bình. Anh ước chi sẽ vượt qua được điều này. Anh làm thế có nhỏ mọn và trẻ con không? Dù sao, nếu anh...

Bỗng bốn máy điện thoại cùng reo một lượt. Máy di động trong túi quần, và ba trong bốn máy điện thoại bàn trên bàn làm việc của anh. Tiếng reo chát chúa khiến anh ngồi nhổm người lên, rồi lấy điện thoại di động ra nghe trước.

- Gideon Harte đây.

- Bọn khủng bố đã tấn công New York tại Trung tâm Thương mại Thế giới. Mở tivi mà xem, - anh trai Toby của anh hét lên trong máy.

- Lạy Chúa Kitô! Giữ máy nhé. Các máy điện thoại bàn của tôi đang cùng reo. - Gideon nhấc máy điện thoại bàn, ấn nút thứ nhất. - Harte đây.

- Tôi là Andy, anh có...

- Tôi biết rồi. Tôi sẽ nói chuyện với anh sau. - Anh cắt ngang máy của người phóng viên, bấm vào nút số hai. - Harte đây.

- Bố đây, Gideon, - bố anh nói, giọng nghe rất kỳ lạ. - Trung tâm Thương mại...

- Con biết rồi, bố. Bố giữ máy, để con trả lời máy khác. - Khi anh nói xong, Gideon bấm nút máy thứ ba. - Gideon Harte đây.

- Tôi là Joel. Tôi đang mời ban biên tập để họp bàn về số ấn phẩm sớm cho tờ Gazette vào ngày mai. Được không?

- Được. Tôi sẽ gọi là cho anh trong một phút nữa. Gideon bấm máy thứ hai lại. - Bố à, con đang nói chuyện với Toby trên máy di động của con.

- Tốt, vậy con cứ nói đi. Bố sẽ đến văn phòng của con. Trong vòng bốn phút nữa, bố sẽ có mặt ở đấy.

- Dạ. - Anh gác máy. Rồi lấy máy điện thoại di động, anh nói: - Anh còn đấy chứ, Toby?

- Còn, nhưng tôi sắp đến phòng tin ở tòa soạn. Bây giờ không nói chuyện được nữa. Cậu mở đài CNN mà xem. Nếu cậu cần tôi, cứ gọi tôi trên mạng.

- Cám ơn, Tobe. - Gideon chạy qua phòng, vừa cất máy điện thoại di động vào túi và tìm cái điểu khiển từ xa. Thường thường nó nằm trên bàn anh, nhưng bây giờ anh không thấy nó đâu hết. Anh thấy nó ở trên kệ phía trên máy truyền hình, anh chụp lấy, bấm nút mở đài CNN, tin tức hiện ra trên màn hình.

Khi thấy cảnh một tòa tháp đôi sụp xuống, anh bàng hoàng khủng khiếp. Anh nhìn đồng hồ trên kệ để máy truyền hình, đồng hồ chỉ hai giờ hai mươi lăm sáng thứ Ba ở New York.

Gideon đứng yên sửng sốt. Anh bị những hình ảnh trên màn hình làm cho bàng hoàng kinh ngạc. Lửa bốc cháy ngùn ngụt lên bầu trời. Khói cuồn cuộn mịt mờ. Bụi. Đồ vật tan nát rơi.

Khi anh nhìn cảnh tượng người ta nhảy ra khỏi cửa sổ, liều chết nhảy xuống, anh cảm thấy nghẹt thở. Ôi lạy Chúa! Người chạy ngoài đường. Còi hụ inh ỏi. Âm thanh đổ vỡ. Anh nhắm mắt một lát, không thể nào nhìn cho nổi.

Chuông điện thoại reo khiến anh phải quay lại. Nắm máy, anh nói, giọng khàn khàn:

- Tôi nghe đây.

- Gideon phải không? Tôi Andy đây. Tôi đang họp để bàn số ấn phẩm cho tờ Post. Hôm nay Tony Wharley đã ra về sớm. Có hẹn với bác sĩ.

- Anh cứ họp trước đi. Tôi đang đợi bố tôi. Tôi giao quyền cho anh đấy.

Quay lại máy truyền hình, Gideon nhìn sự tàn phá đang diễn ra, vô vàn ý nghĩ hiện ra trong óc anh. Phải chăng đây là hành động chiến tranh? Ai chịu trách nhiệm cảnh tàn phá này?

° ° °

Thái độ tích cực với cuộc sống và sự lạc quan vô bờ là thủ thuật của Winston Harte. Ly của ông lúc nào cũng đầy một nữa, không bao giờ lưng dưới một nửa, cái gì cũng có thể được, có thể ngày nào đó ông sẽ chinh phục thế giới, và ngày mai sẽ tốt đẹp hơn mà thôi. Đấy là cách ông suy nghĩ từ những ngày ông mới vào đời.

Từ lâu nay, cho dù có lúc ông gặp tệ hại, ông cũng luôn tỏ ra lạc quan yêu đời. Nhưng chiều nay, lần đầu tiên trong đời, tính lạc quan của ông bay biến đâu hết. Ông quá đau đớn, thất vọng, cảm giác này hoàn toàn xa lạ với ông, cái cảm giác mà ông không bao giờ chấp nhận.

Khi thang máy dừng lại, ông bước ra trên nền tòa soạn của tờ London Evening Post. Ông bước đến gần những cách cửa sổ lắp kính, từ đó người nào đi vào hành lang cũng có thể nhìn vào phòng tin tức được. Ông đứng đấy một lát, như mọi khi.

Cảnh tượng của bất cứ phòng tin tức nào, đặc biệt nhất là phòng của ông, đều làm cho ông rung động, nhưng hôm nay ở đây không có sự rung động đó. Ông cảm thấy lạnh thấu xương, đau đớn, buồn bã tận tâm can. Thế nhưng, ông nghĩ cần phải xua đuổi hết cảm giác này đi. Ông là chủ nhiệm, là chủ nhân, nhân viên cần đến sự lãnh đạo của ông. Hôm nay ông phải có mặt ở đây với họ, và trong những ngày tiếp theo.

Ông hít vào một hơi thật mạnh, ưỡn ngực ra, nhắc nhở mình nhớ rằng ông là nhà báo kỳ cựu. Ông đứng suốt mấy phút nhìn cảnh hoạt động trong phòng tin tức... cố vui với cảnh sinh hoạt ấy, cố cảm thấy tự hào về nhân viên của ông.

Lòng yêu thích nghề báo chí của Winston Harte được di truyền từ ông nội ông, có cùng tên với ông, là Winston Đệ Nhất trong gia đình, người đã điều hành công ty báo chí cho bà Emma. Lòng yêu thích này còn bắt nguồn từ ông cậu Frank của ông, người em trai của bà Emma, nhà báo nổi tiếng trong thời ông, người phóng viên chiến trường và là nhà báo chuyên viết về chính trị. Mực in báo đã nằm trong máu của Winston, giống như nó đã nằm trong máu của Gideon bây giờ vậy.

Winston đưa mắt nhìn vào máy truyền hình trước mặt ông... những hình ảnh khủng khiếp ở New York vẫn đang còn xuất hiện trên truyền hình. Tim ông thắt lại khi thấy sự tàn phá và sự kinh hoàng.

Quay mặt đi, lòng buồn rầu hơn bao giờ hết, Winston đi dọc theo hành lang đến phòng làm việc của Gideon. Khi ông đến cửa, ông cố giữ bình tĩnh và bước vào.

Con trai ông đang đứng trước máy truyền hình, không rời mắt khỏi màn hình, anh nói lớn:

- Đến xem, bố! Chính John Bussey của tờ Wall Streey Journal. Tường thuật những gì anh ta thấy từ phòng làm việc của ảnh ở lầu chín. Văn phòng anh ta đối diện với Trung tâm Thương mại Thế giới. Ôi lạy Chúa! Tháp đang sập xuống! Ôi lạy Chúa! Cảnh tàn phá quá khủng khiếp!

Winston đến đứng với con trai, nhưng chỉ một lát thôi. Ông thấy khó mà nhìn cảnh tượng trên màn hình tivi, ông liền đến ngồi xuống ghế, lòng run lên cầm cập.

Quay người lại, Gideon nói:

- Chúng ta chỉ đăng tin này vắn tắt vào mục tin giờ chót thôi. Số báo chiều nay đã lên khuôn, nhưng... - Anh dừng nói, kinh ngạc khi thấy vẻ đau đớn, thất vọng hiện lên trên mặt bố anh.

- Bố, trông bố khiếp quá! Tái mét. Bố cảm thấy không được khỏe à? - Gideon hỏi, đi vội đến để tay lên vai bố. Hai bố con rất thân cận nhau, và Gideon biết anh luôn luôn là đứa con được bố thương nhất, mặc dù Winston không bao giờ để lộ sự ưu ái của mình đối với con ra ngoài.

Winston nhìn con trai, mở miệng định nói, nhưng ông nói không ra lời. Ông chỉ để bàn tay lên bàn tay Gideon đang đặt lên trên vai mình.

Gideon thấy trán bố anh rịn mồ hôi hột, và da trắng bệch. Màu trắng thật khác thường, trắng tái, nhất là trên sống mũi và hai gò má. Rồi bỗng Gideon ngạc nhiên khi thấy vẻ đau đớn hiện ra trong đôi mắt màu xanh nhạt của bố, và anh thấy long lanh vài giọt nước mắt.

Gideon biết bố mình là nhà báo kỳ cựu, không biểu lộ cảm xúc trước các biến cố xảy ra ở New York, nhưng chắc ông thương cảm cho những người bị mắt kẹt ở trong đó. Bỗng Gideon nghĩ rằng có cái gì đấy đã làm cho bố anh bối rối, và chắc đúng như thế. Chuyện riêng của ông.

Cố lấy giọng bình thường, Gideon hỏi:

- Bố bệnh phải không?

Winston cố lấy lại bình tĩnh, rồi bằng một giọng run và khàn khàn vì nước mắt, ông chậm rãi đáp:

- Anh ấy còn ở trong đó. Ở trong tầng lầu ấy. Chắc ảnh không còn sống sót được.

- Ai thế bố? Bố nói đến ai thế?

- Shane, - Winston đáp. - Sáng nay anh ấy dự phiên họp ở Trung tâm Thương mại Thế giới. Vì thế mà anh ấy không về với bố mẹ được. - Ông lắc đầu, rồi òa khóc. Đưa một tay bịt miệng, như thể ông muốn nén tiếng khóc vào trong người, ông tiếp tục lắc đầu, và cuối cùng ấp úng nói: - Có lẽ anh ấy đã chết rồi.

Gideon quá sửng sốt, anh cúi xuống bố, ôm ghì ông vào ngực. Sau một lát, anh nói bằng một giọng rất chậm rãi và dịu dàng:

- Bố à, khoan kết luận vội vàng. Bố không thể quả quyết ông ấy không ra khỏi đấy được. Hiện giờ chúngta không biết gì hết, ngoài những hình ảnh chúng ta thấy trên truyền hình. Con xin hỏi bố câu hỏi này: Không biết bố đã tìm ra cách để hỏi dượng ra sao chưa?

- Rồi, và bố không thể liên lạc với điện thoại di động của anh ấy. Thực ra thì bố không gọi đến được New York, không gọi được ai hết.

Buông bố ra, Gideon đứng thẳng người lên và bình tĩnh hỏi:

- Bố, dì Paula ra sao?

- Bố gọi điện thoại cho chị ấy ngay khi bố thấy cảnh hiện ra trên tivi. Chị ấy đang bận họp, cho nên bố nhờ Emily đi đến cửa hàng để gặp chị ấy.

- Phải, mẹ con vào giờ phút này mà đến với dì ấy thì hay hơn hết.

- Mẹ bố và mẹ anh ấy rất thân nhau, - bỗng tự nhiên ông Winston nói: - Khi bố và anh ấy còn bé tí, các bà thường cùng đẩy xe cho bố và anh ấy đi chơi. Bố biết anh ấy đã lâu. Sáu mươi năm.

- Con biết, suốt cả đời bố.

- Bố và ông ấy không đồng quan điểm. Trong những năm gần đây không đồng ý nhau. Ông ấy là bạn thân của bố, là người anh mà bố chưa bao giờ... - Winston dừng lại, không thể nói tiếp được lời nào.

- Chúng ta hãy cố gắn tin tưởng! - Gideon đáp. - Có thể phòng mà dượng Shane họp nằm ở tầng dưới. Có lẽ ông ấy có thể bước xuống cầu thang và đi ra ngoài. Và bố này, nếu bố không gọi được, thì ông ấy cũng không gọi được. Có lẽ vì thế mà bố không liên lạc được với ổng.

- Bố cầu trời đúng như thế.

Chuông điện thoại reo khiến Gideon đi đến bàn.

- Gideon Harte đây.

- Paula đây, - bà nói bằng giọng yếu ớt. - Có bố anh đấy không, Gideon?

- Dạ có, dì Paula, ông hiện ở đây, và...

- Đưa điện thoại cho bố! - Winston lên tiếng trước khi Gideon nói tiếp. Ông vùng dậy, bước đến bàn, lấy điện thoại trên tay con trai.

Gideon đi ra xa để cho họ được tự do nói chuyện. Nhưng cho dù anh có muốn nghe lén cũng không được, vì ngay sau khi ông lên tiếng chào bà với giọng nho nhỏ, bố anh im lặng, chỉ nghe thôi.

Gideon đi đến gần máy truyền hình, ngồi xuống ghế, xem tiếp cảnh tàn phá đang diễn ra trên màn ảnh. Lòng anh đau như cắt khi nghĩ đến Shane O�Neill. Nếu ông chết, thì mọi người trong nhà sẽ làm sao đây? Anh nhắm mắt, hình dung ra dượng Shane, và lặng lẽ cầu nguyện. Xin Chúa gia hộ, để cho Shane được sống sót. Anh tiếp tục cầu nguyện trong khi đợi cho bố nghe xong điện thoại.

° ° °

Tessa đứng nhìn bức chân dung của bà Emma Harte trong hốc tường trên hành lang chính của tầng lầu dành cho ban quản lý. Bất cứ khi nào nàng dừng lại để nhìn bà cố của mình, nàng lại thấy cái nét mà Linnet sẽ giống bà khi cô ấy đến tuổi trung niên, như bà Emma trong ảnh.

Cô em gái của nàng thật giống bà cố của họ. Thật vậy, Linnet trông giống bà Emma hơn bất cứ người nào trong gia đình: Cũng với vẻ mặt thanh tú, nước da trắng hồng, cặp mắt xanh lục to, sáng, mái tóc vàng đỏ nhạt, cho đến lúc bà trở thành góa phụ. Có nhiều người trong gia đình nói rằng Linnet giống bà không những chỉ vẻ ngoài thôi, mà cô ấy còn thừa kế trí óc sáng suốt của bà Emma danh tiếng nữa. Và có lẽ ý kiến ấy đúng. Có lẽ Linnet là người có khả năng điều hành ở dãy cửa hàng Harte, mặc dù Tessa nghĩ nàng là người thừa kế, là thái tử. Có phải nàng muốn làm bà chủ không? Làm nữ hoàng của một vùng? Nàng không biết trả lời sao câu hỏi này cho đúng.

Nàng muốn gì?

Nàng đã có câu trả lời: Jean Claude Deléon. Nàng muốn anh ấy. Muốn vĩnh viễn.

Tốt, vậy thì nàng phải từ bỏ tham vọng về nghề nghiệp chứ? Nàng có thể làm được không?

Tại sao lại không? Nàng không muốn hàng đêm ngủ một mình trong chiếc giường lạnh lẽo. Như bà Emma sau khi ông Paul chết vào năm 1939. Tất cả đều biết câu chuyện tình tuyệt vời của họ, biết tai nạn xảy ra gây nên cái chết cho ông. Thực ra thì ông tự tử.

- Bà thật là tuyệt vời, bà cố à, - Tessa thì thào nói. - Bà thật đúng khi để cho mọi người đều có phần của mình. Mark Longden dĩ nhiên cũng có phần của hắn. Nhưng mày đã nói mày sung sướng khi thoát khỏi đồ rác rưởi rồi, phải không?

Bây giờ nàng không thay đổi gì được, nhưng nàng ước chi mẹ nàng đừng thỏa thuận cho Mark số tiền lớn như thế. Khi trên đường trở về từ văn phòng luật sư, mẹ nàng đã nói lại với nàng rằng số tiền bán ngôi nhà sẽ được đầu tư và cuối cùng sẽ bù vào nguyên vẹn số tiền chi cho gã. Nàng nghĩ sẽ như thế. Mark quả là đồ chuột tham lam. Gã đã phản đối việc gã bị xua đuổi, bị lưu đày như lời gã đã nói, nhưng cuối cùng gã đã ký vào tờ giao kèo. Gã thích có tiền rồi cao chạy xa bay, còn hơn là cứ sốt ruột chờ ở London để được đến thăm Adele.

Mẹ nàng quả thật là người thông minh, sáng suốt. Bà đã xét đoán Mark rất đúng. Bà đã mua hắn. Đến lúc hắn về London lại thì Adel đã mười hai tuổi chuẩn bị sang tuổi mười ba.

Bỗng Tessa run sợ khi nhớ đến chuyện trong lúc nàng ở Paris thì gã cũng có mặt ở đấy. Nếu khi nàng đi với Jean Claude mà gặp phải gã thì sẽ khó khăn biết bao!

Nàng quay đi, bước tới phía cánh cửa dẫn đến các phòng làm việc của cửa hàng. Nhưng trước khi nàng đến nơi, cánh cửa bật mở và Linnet tuôn ra. Cô mặc cái áo xanh nhạt, trông giống bà Emma đang còn trẻ. Linnet thốt lên:

- Mẹ muốn mình đến gặp ngay bây giờ, Tessa.

Tessa cau mày hỏi:

- Có chuyện gì quan trọng à? Trông cô có vẻ lo sợ thế.

- Chị nãy giờ ở đâu, Tessa?

- Trong phòng để đồ của tôi. Tôi kiểm tra bản kiểm kê hàng hóa. Suốt một giờ rưỡi rồi. Mà tại sao cô hỏi thế?

- Chị không biết gì hết, phải không?

- Biết cái gì?

- Bọn khủng bố tấn công New York... chúng cho máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới...

- Ôi lạy Chúa! Linnet, khủng khiếp quá!

- Nhanh lên. Mẹ đang lo sợ. Bà cần chúng ta.

Shane, Tessa nghĩ. Bố nàng đang ở tại New York. Có chuyện gì xảy ra cho ông không? Nàng không nhúc nhích được, nhìn em gái chằm chằm: mặt cô ta méo xệch, miệng mím chặt. Mặt cô tái mét. Mắt lộ vẻ hoảng hốt, như mắt con nai hoảng sợ trước ánh đèn chiếu thẳng vào.

- Bố không sao chứ? Ông không bị hề hấn gì chứ, phải không? - Tessa hỏi.

Linnet nhìn nàng.

- Chúng ta không biết gì hết. Chúng ta không thể tiếp xúc được với bố, hay là bất kỳ ai. Tôi đoán các đường dây điện thoại ở Manhattan đều bị gián đoạn hết. - Linnet chụp lấy cánh tay chị. - Nhanh lên, Tess. Ta đến gặp mẹ. Bà đang cần chúng ta.

Tessa để cho cô em gái kéo đi qua cửa. Và nàng nghĩ mình đã để mất bao nhiêu năm trời mới hiểu ra rằng ông thực sự là bố mình. Chính Shane đã nuôi dưỡng mình, thương yêu mình suốt đời.� Đã giúp đỡ để cho mình nên người. Chứ không phải Jim Fairley làm việc ấy. Jim đã chết khi mình mới đi chập chững. Bây giờ nàng cầu mong sao Shane đừng chết trong vụ tấn công này của bọn khủng bố; mẹ nàng chắc sẽ không thể nào sống nổi vì chuyện này. Không một ai trong số họ sẽ qua nổi.