Nhiếp Chính Vương

Quyển 4 Chương 66

Tô Dung đặt tay lên cổ tay Diêu Thư Vân, càng bắt mạch càng nhăn nhíu mặt mày.

Sau đó kiểm tra đến mắt và lưỡi, cân nhắc mất một lúc mới kê đơn và đưa cho Bạch Sam đứng chờ bên cạnh.

Bản Vương thấy Tô Dung ra ngoài cũng lấy cớ đi vệ sinh đuổi theo hỏi: “Sao rồi, bệnh tình của Thư Vân có chữa trị được không?”

“Không thể,” – Tô Dung trả lời: “Từ tình trạng bệnh và mạch thì Diêu đại nhân đã bị ho lao, không thuốc nào cứu chữa. Bản thân đại nhân lại vất vả trường kỳ, cơ thể kiệt quệ, mạch đã quá yếu, dù sau này muốn bồi bổ lại cũng không được.”

Bản Vương bàng hoàng, xót xa hỏi: “Không còn cách nào nữa ư? Chỉ cần có thể cứu hắn, dù kỳ trân dị thảo gì, tốn tiền bạc sức lực bao nhiêu, Bản Vương cũng sẵn lòng.”

Vậy mà Tô Dung chỉ lắc đầu, “Lương y như từ mẫu, nô tỳ cũng muốn cứu nhưng bệnh của Diêu đại nhân đã quá nặng. Phương thuốc nô tì kê cũng chỉ thuyên giảm phần nào chứng bệnh, kéo dài thời gian.”

“Ngươi nghĩ kỹ đi,” – Bản Vương túm vai nàng, “Lần trước Hoàng Thượng ngã bệnh, toàn bộ thái y đều bó tay, chẳng phải ngươi vẫn có phương pháp cứu chữa đấy thôi, lần này cũng giống vậy, phải không?”

“Không giống nhau đâu.” – Tô Dung cắn môi, “Lần trước là do Hoàng Thượng bị nhiễm lạnh, nô tỳ kê đơn khu hàn là xong. Nhưng hôm nay, Diêu đại nhân đã kiệt quệ khí huyết, như đèn sắp cạn dầu rồi, nô tỳ thực sự không làm gì được. Từ cố chỉ kim, ho lao là bệnh nan y, không có thuốc chữa. Những gì nô tỳ có thể làm chỉ là dốc sức giúp ngài ấy sống được ngày nào hay ngày nấy thôi.”

Bản Vương buông thõng tay, “Nói vậy, việc chúng ta có thể làm chỉ là nghe số trời thôi phải không?”

Tô Dung rầu rĩ gật đầu, “Vâng.”

Bần thần trở lại phòng của Diêu Thư Vân, trước khi đẩy cửa vào, Bản Vương đã cố gắng thay đổi vẻ thoải mái như thể chẳng có chuyện gì xảy ra. Lại đâu nghĩ rằng, Thư Vân đã nheo mắt nhìn ta như hiểu hết mọi thứ mà rằng: “Sinh tử có số, phú quý do trời. Đời ta đã hưởng hết phú quý vinh hoa, đổi lại mấy năm trường thọ cũng phải rồi, ngươi chớ có đau buồn.”

Bản Vương: “Thư Vân -”

“Ánh sáng bên ngoài đẹp quá.” – hắn lái chủ đề, nghiêng mặt nhìn ra ngoài ô cửa, “Cứ ru rú trong phòng mãi, ngươi đỡ ta ra ngoài đi.”

“Ừ.” – Bản Vương sai Bạch Hoa bày hai chiếc ghế tựa ở ngoài sân, lấy thêm áo khoác cho Thư Vân rồi dìu hắn ra ngoài.

Sau khi ngồi xuống, hắn nhìn mảnh sân trống hoắc hơ, bảo rằng: “Mấy năm liền Khúc Châu gặp nạn hạn hán, đến nỗi đông tới cũng chẳng có tuyết rơi.”

Bản Vương nắm tay hắn, “Về Kinh với ta, đó là cái nôi tuyết, muốn ngắm tuyết lúc nào cũng được.”

Hắn lắc đầu, “Không về, nếu Hoàng Thượng đã phái ta đến đây thì ta phải làm một vị quan phụ mẫu thật tốt, trước khi bổ nhiệm được Châu mục kế tiếp, ta sẽ không rời khỏi đây.”

Bản Vương: “Nhưng sức khỏe ngươi -”

Diêu Thư Vân: “Đã là bệnh không thuốc chữa thì có về hay không cũng có gì khác nhau. Nếu Vương gia niệm tình chí cốt thì nán lại đây với ta mấy hôm đi.”

Bản Vương siết tay hắn, “Chắc rồi, ta sẽ vẫn ở bên ngươi.”

Cho tới khi ngươi ra đi vĩnh viễn.

Nghe thấy vậy, hàng mày của hắn mới giãn ra, hòa tan đi khuôn mặt u ám, có cảm giác như trời đã quang sau cơn mưa tuyết.

Và khoảng khắc lơ đãng đó, dường như hắn lại là Diêu Thư Vân phấn chấn của ngày xưa.

“Vậy là đủ rồi,” – hắn nói, “Đoạn đường cuối cùng, có ngươi bên ta, vậy là quá đủ.”

Cả hai đều ngồi lặng, tâm trạng ngắm không trung.

Một lúc lâu sau, Diêu Thư Vân bỗng nói, “Kỳ thật, đời này ta vẫn còn một điều tiếc nuối.”

“Hử?” – Bản Vương nhìn hắn, “Tiếc nuối gì?”

Hắn nói: “Ta mang dang Cầm Thánh, sáng tác ra mấy khúc nhạc lưu truyền thiên hạ. Nhưng từ xưa, ngọc cầm chỉ gảy vì tri âm. Tri âm của Diêu Thư Vân ta ngoài ngươi thì không còn ai khác, vậy mà ta lại chẳng gảy cho ngươi được khúc nào.”

Bản Vương: “Tiếc là ta sinh ra đã mất thính giác, bằng không đã có thể gảy đàn đàm nhạc với ngươi rồi.”

“Vậy ngươi lấy thính giác của ta đi,” – hắn nói. “Dù chỉ giờ phút này thôi cũng được, ngươi làm thính giả cho ta, dùng thính giác của ta để nghe ta gảy một khúc ‘Trường Tương Tư’ đi.”

Bản Vương: “Trường Tương Tư?”

“Đúng rồi,” – hắn cười yếu ớt lại rạng rỡ vô ngần, “Trường Tương Tư’ là để nhớ một người. Cũng như Vương gia đã từng nói, Phong Mộ Ngôn không khổ vì tình sẽ không thể điều chế ra ‘Mộng Tiêu Tương’, Thư Cảnh Càn không vì nỗi đau mất người thương sẽ không thể ủ ra “Giải Trăm Sầu’, còn Diêu Thư Vân ta nếu không vương vấn người kia sẽ không phổ được khúc ‘Trường Tương Tư’. Khúc này, trừ một lần say túy lúy gảy trước mặt người ra thì cuộc đời ta chưa từng gảy lại. Nhưng nay, ta muốn gảy cho ngươi nghe, chỉ mình ngươi nghe thôi.”

Bản Vương: “Ừ…”

*

Có lẽ vì chấp niệm quá sâu mà đến chạng vạng một ngày, hắn đột nhiên hồi quang phản chiếu bật dậy, chỉnh trang lại bộ y phục đã nhàu nhĩ, ngồi xuống trước ngọc cầm, để cả người chìm vào chiều tà ráng đỏ.

Nhìn từ xa, bộ y phục thiên thanh, tao nhã vô ngần, như tiên giáng trần.

Nhưng nhìn gần chỉ thấy dáng người tiều tụy, mình mẩy xương xẩu, như bộ xương khô.

“Thời gian của ta không còn nhiều.” – hắn nói, lại tùy ý gảy một dây đàn, “Một khúc này là để cảm ơn ngươi đã tri âm tri kỷ bên ta hơn nửa đời người.”

Nói rồi, hai tay hắn múa trên những sợi dây đàn, chớp mắt âm thanh tuôn ra ào ạt. Thánh thót như tiếng trời, trầm bổng như rồng ngâm phượng xướng.

Mỗi âm mỗi ngắt, mỗi khúc mỗi vẫn, đều vô cùng quý giá.

Ta lẳng lặng ngồi đó, không cổ vũ, cũng chẳng rơi lệ.

Chỉ làm một người nghe, lặng thinh nghe hắn gảy xong một khúc cuối cùng, cùng hắn bước qua một đoạn đường thanh xuân cuối cùng.

Từ đây, hai nơi bích lạc hoàng tuyền, dưới trên tìm khắp chẳng còn thấy chi.

Men theo cái thê lương quay quắt lại réo rắt dịu dàng của ‘Trường Tương Tư’, bỗng nhiên ký ức những năm tháng xưa kia chợt ùa về.

*

Năm đó, phụ vương ôm ta hãy còn quấn tã sang Diêu phủ chơi.

Khách chủ tựa tề, tán gẫu cao hứng, phụ vương chẳng rảnh trông ta nên đã giao cho vú em của Thư Vân, để nàng ôm ta đặt vào giường của hắn, cùng hắn tròn mắt nhìn nhau giết thì giờ.

Khi ấy, Diêu Thư Vân mới sinh chưa bao lâu, mặt mũi hãy còn nhỏ xíu lại vừa hồng vừa nhăn hệt như một bà cụ non.

Nhưng có lẽ bà cụ non ấy bén duyên với ta từ trước mà mới nãy còn khóc inh ỏi, vừa thấy Bản Vương đã cười ngây ngô.

Bản Vương nhéo má hắn, ngó trái ngó phải, thầm nhủ: “Hai gò má vừa tầm, trán phẳng rộng, cằm thon đầy, mũi cao thẳng, thấy thế nào cũng là tướng đại phú đại quý, nhưng mà sao đứa bé này sinh ra đã yếu ớt, ngốc nghếch vậy chứ?”

Hơn một năm rưỡi sau đó, thằng bé ngốc ấy vẫn chưa biết nói nhưng đã biết chạy rồi, mỗi khi chuồ ra khỏi Diêu phủ là lại ngựa quen đường cũ chạy sang sân nhà ta, cầm hai viên bùn nhặt ngoài đường bỏ vào bát cháo vừng của Bản Vương.

Từ bé nó đã nghịch ngợm quậy phá, không đấu lại người lớn, nó nghĩ mọi cách chạy sang chọc phá Bản Vương.

Mà ta đã thiếu bốn giác quan, ăn phải bùn cũng không biết, ngay cả canh bùn cũng húp cạn. Nếu không phải đến một hôm vú em phát hiện ra thì có lẽ ta đã ăn đầy bụng bùn.

Chiêu này không được, nó bèn chạy đi bắt sâu róm thả lên bụng ta lúc ta đang ngủ. Tuy không biết đau, nhưng mấy con sâu bò khắp bụng, bò đến đâu là nổi mẩn đỏ đến đấy. Đến khi Bản Vương phát hiện thì thằng oắt con đã chuồn từ đời nào.

Tuy có hơi bực mình, nhưng là một “Người trưởng thành”, ta cũng lười chấp nhặt với một thằng ranh con.

Vì thế mà dưới sự dung túng tưởng như yết ớt của ta, thằng nhóc con càng vô pháp vô thiên, hôm nay nhét cóc vào giày, mai giấu rắn vào chăn, mốt lại để một tổ ong vò vẽ trên đầu ta.

Ngày qua ngày, năm sang năm, đủ mọi chiêu trò cũ mới vô cùng tận.

Cho đến một ngày, nó chợt phát hiện ra Bản Vương không quan tâm, không khóc cũng chẳng sợ hãi, cả ngày chỉ nhìn nó nghịch ngợm như xem xiếc khỉ, khi ấy nó mới giật mình nhận ra, là nó không lọt vào mắt ta.

Tiếc là chưa tìm ra cách nào khiến ta để mắt tới nó thì Diêu phủ đã mời hai vị tiên sinh đến, một người dạy tập võ luyện kiếm, một người dạy đọc sách viết chữ, để nó yên thân một thời gian, cũng không còn thấy sang quấy rầy ta nữa.

Cho đến mấy năm sau, hai ta được đưa vào ‘Thư viên Thượng Thanh’, vậy là oan gia ngõ hẹp lại đụng đầu.

Khi ấy Thư Vân đã trở thành một thiếu niên mi thanh mục tú, đứng giữa một đám nít nhít thò lò mũi xanh hệt như hạc đứng giữa bầy gà.

Nhưng bản chất thì chẳng khác gì trước kia, cứ sểnh ra là chạy đi chọi gà đấu dế, không thì đi nhìn trộm con gái tắm. Thơ từ ca phú chẳng học được mấy khổ, dâm từ diễm khúc đã thuộc làu làu.

Đám nha đầu trong lớp, chỉ cần xinh xắn là kiểu gì cũng không thoát khỏi tay nó, lúc nào cũng có người đỏ mặt tím tai chạy đến tìm Bản Vương mong thân phận cao quý lại có chỗ dựa vững chắc ta đây đứng ra mắng hộ.

Bản Vương vốn chỉ muốn làm một mỹ nam tử trầm lặng, không muốn để ý đến trần tục tầm thường, nhưng không chịu nổi sự nài nỉ của các nàng, chỉ đành lấy thân phận tôn quý ra liếc nhìn tên ma vương quậy phá kia, bảo: “Tiểu tử kia, ngươi quậy đủ rồi đấy.”

Những tưởng với tính cách bá đạo phách lối của Diêu Thư Vân nhất định sẽ sửng cồ, giơ nanh múa vuột nhảy ra bật lại. Mà đâu ngờ nó chỉ híp đôi mắt vừa mảnh vừa dài, cười rạng rỡ như tiết xuân, “Thật là khó quá, nhập học hơn nửa năm, cuối cùng ngươi cũng chịu để ý ta rồi.”