Nữ Hộ

Chương 44: Dưới quê

“BIẾT CÁCH UY HIẾP CHA MẸ RỒI ĐẤY NHỈ?”

Lại nói Thịnh Khải nấn ná hơn nửa ngày ở nhà họ Trình dưới quê, trò chuyện rôm rả với Tô tiên sinh và Hồng Khiêm, thấm thoát mặt trời đã ngả về tây, Thịnh Khải cáo từ bước ra, Hồng Khiêm theo tiễn, đến cửa lại gặp Ngọc Tỷ từ ngoài về.

Hôm nọ Thịnh Khải và Ngọc Tỷ đã chào nhau một lần, biết gia đình này có một cô con gái, hai ba bữa trước cũng chạm mặt thoáng qua, nhưng khi ấy cậu chỉ vì cứu người mà đến, cả nhà vội vội vàng vàng, chẳng ai có lòng gặp gỡ. Hôm nay đến nhà là để lãnh giáo văn chương, cũng không chú ý đến. Vậy nên khi gặp Ngọc Tỷ ngoài cửa, Thịnh Khải trong lòng giật thót, mặt mày cũng hơi kinh ngạc.

Áo xống Ngọc Tỷ vẫn tạm gọi là chỉnh tề, tóc tai chỉ hơi rối hai bên, bùn dưới đế giày cũng sắp khô, chéo váy còn ẩm. Đóa Nhi ở đằng sau thì nhét váy vào thắt lưng, ống tay áo xắn lên, con cá chép trong tay vẫn còn đang giãy nhẹ, váy nó ướt rượt. Tiểu Trà cũng chẳng khá hơn là bao, lồng bắt tôm vẫn đang rỏ nước tí tách.

Thịnh Khải vừa lội sông vớt an nhân nhà này lên, cháu gái an nhân đã dắt người xuống sông bắt cá vớt tôm, Thịnh Khải ngạc nhiên lắm. Hồng Khiêm thấy bé, bụng bảo dạ, Ngọc Tỷ quả nhiên vẫn còn nhỏ, suy nghĩ vẫn còn chỗ chưa chu đáo. Lập tức khiển trách: “Còn không chào hỏi Thịnh thế huynh?” Ngọc Tỷ chỉnh trang quần áo, nghe lời thưa: “Thế thúc mạnh khỏe.” Thịnh Khải luống cuống chân tay, không biết nên đối xử thế nào với cô “cháu gái” này cho phải, đành gượng gạo ừ một tiếng, vội vàng cáo từ.

Hồng Khiêm nghiêm mặt, hỏi Ngọc Tỷ: “Con đi đâu đấy? Lại tả tơi bừa bãi thế mà về?”

Ngọc Tỷ cũng không sợ chàng, cười thưa: “Cha và thầy cùng vị thế thúc kia hàn huyên, đương nhiên không biết, con đã xin mẹ rồi. Mẹ cho phép con ra ngoài dạo, con dắt hai người theo. Cha Đóa Nhi muốn gặp em ấy, để em ấy một mình sang đó, sợ rằng không đối phó nổi, thế là cả ba cùng đi. Muốn đến nhà em ấy phải băng qua một nhánh sông cạn, thử lội vài bước, thấy nước không sâu, chỉ qua đầu gối.”

Hồng Khiêm đâu phải người dễ gạt? Hôm nay Ngọc Tỷ buộc tóc thành hai búi, một bên rũ xuống, Hồng Khiêm giương ngón út tay phải xâu qua lỗ hổng búi tóc trái của bé rồi nhấc lên dắt vào nhà, đoạn ra lệnh, “Đóng cửa!” Ngọc Tỷ bảo vệ tóc mình, đành phải lảo đảo vào theo.

Hồng Khiêm xách con gái đến chỗ Tú Anh, chàng cho rằng qua chuyện trầm sông của Tố Tỷ, Tú Anh sẽ không cho phép Ngọc Tỷ ra sông chơi, quá nửa là do Ngọc Tỷ tự ý đi. Vì đây là nhà họ Trình, Hồng Khiêm và Tú Anh không ngụ nhà giữa, nhà giữa là nơi ở của cụ Lâm và Tố Tỷ. Hồng Khiêm vòng qua sảnh trước, vừa dắt Ngọc Tỷ rẽ trái thì lại thấy cảnh thầy Tô đâm đầu vào cây. Hồng Khiêm run tay, Ngọc Tỷ thừa thế tránh thoát, búi tóc một bên vì bị xách mà rối cả, bé giơ tay giữ một lọn tóc to rũ xuống, con châu chấu bằng cỏ thế là theo tay bé lên tuốt trên đầu. Tay còn lại bụm miệng, cười thành tiếng.

Ngọc Tỷ đã biết tình hình có vẻ không ổn, tôm thì bắt ở con rạch nông thật, nhưng cá thì là cá dưới sông. Cá sông tanh mùi đất, lúc nấu phải thêm rất nhiều gia vị, không thì khó nuốt, trừ khi quá đói chứ dân quê hiếm ai ăn, bởi thế dưới sông có khá nhiều cá to. Ngọc Tỷ tiện tay móc vài đồng mua cần câu, Đóa Nhi đào giun giắt vào lưỡi câu, chẳng bao lâu sau đã câu được một con cá to, ba người cùng kéo mới giật cần lên nổi. Mới đầu Ngọc Tỷ suýt nữa đã bị nó kéo xuống sông, khiến Tiểu Trà sợ đến toát mồ hôi lạnh cả người, Ngọc Tỷ dặn đi dặn lại: “Về nhà không được kể chuyện ấy.”

Kẻ cắp thì hay chột dạ, tuy Ngọc Tỷ chưa từng làm kẻ cắp, nhưng làm sai chuyện thì dạ cũng chẳng vững nổi. Trông thái độ Hồng Khiêm, đã biết hỏng chuyện rồi. Một trận này chắc không tránh khỏi, nhưng để giảm nhẹ hình phạt thì phải giả vờ giả vịt một chút. Thấy thầy Tô thế kia, cười bảo: “Thầy tốt của con ơi, một cú cụng đầu này, no cả cơm tối. Chỗ con có tôm có cá, thầy đập đầu vào cây tước gạo xuống, vừa khéo nấu thành một bữa.”

Chữ Tô của Tô tiên sinh, viết là“蘇”, dưới bộ thảo, trái là ngư phải là hòa*, lúa thành gạo, vậy nên Ngọc Tỷ mới đùa thế. Thầy Tô đập vào cây, đang thế giằng co với cây thì bỗng nghe học trò “đùa có văn hóa”, thầy cũng không bực mình mà hỏi ngược lại: “Nếu rơi xuống là cá thì sao?”

[*Ngọc Tỷ chơi chữ, bộ thảo là cỏ, bộ ngư là cá, bộ hòa là lúa. Tiện thể nói thêm, đó là chữ phồn thể.]

Ngọc Tỷ thưa: “Trèo cây tìm cá, cũng tạm được, một con hấp, một con kho vậy.”

Thầy Tô cười to: “Thế nếu là cỏ thì sao?”

Ngọc Tỷ đáp: “Tiết kiệm củi.”

Thầy Tô không cười nữa, phủi quần áo, hỏi: “Còn rơi xuống nước thì sao?”

Ngọc Tỷ im lặng kéo tóc. Thầy Tô không bỏ qua cho bé, hừ mũi: “Hử?”

Ngọc Tỷ nhanh chóng đáp: “Con sai rồi.”

Thầy Tô liếc Hồng Khiêm, nói: “Chuyện gì cũng có trước sau, trò dạy dỗ con gái đi, rồi đến ta dạy học trò mình.” Ngọc Tỷ nghe mà lạnh sống lưng, bụng bảo dạ khi nãy đùa mà quên mất tính toán.

Hồng Khiêm chắp tay vái thầy Tô, kẻ là cha kẻ là thầy người ta, không ai dám cười chê ai, chẳng ai thoát nổi câu “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá” và “Giáo bất nghiêm, sư chi đọa”*. Lại nói Hồng Khiêm áp tải Ngọc Tỷ và Tiểu Trà, Đóa Nhi đến trước mặt Tú Anh, Tú Anh mới biết việc hay mà Ngọc Tỷ vừa làm, mặt đổi màu ngay, giơ tay khẽ vài cái thật mạnh vào lưng Ngọc Tỷ: “Mày đã bảo thế nào với mẹ? Trong nhà có khách, làm gì cũng không tiện, ngồi mãi trong phòng bức bối lắm. Ra ngoài dạo một vòng, đến thăm nhà Đóa Nhi. Đóa Nhi sống dưới nước hay trên thuyền?”

[*Nuôi mà không dạy là lỗi của cha, dạy mà không nghiêm là thầy lười biếng.]

Lại cấu mạnh vài cái vào tay Tiểu Trà, Đóa Nhi: “Cũng không biết ngăn tiểu thư!” đoạn mắng Ngọc Tỷ, “Bà ngoại mày vừa được vớt từ đấy lên, muốn giấu còn không kịp. Mày lại ra đấy, sợ người ta không biết phỏng?! Về quê chưa được bao ngày, mày đã ngang tàng rồi! Còn thế nữa thì sau này đến cả cửa phòng mày cũng đừng hòng bước ra khỏi.” Lại ra vẻ như muốn gọi người môi giới đến bán Tiểu Trà và Đóa Nhi.

Ngọc Tỷ tái mét mặt, quỳ xuống thưa: “Không liên quan đến bọn họ, là khi rời khỏi nhà Đóa Nhi, con chợt thấy lâng lâng, muốn đi dạo một phen. Có phạt thì phạt con đi.”

Hồng Khiêm nói: “Hai chúng nó hầu con, không tận chức trách, đương nhiên phải phạt!”

Ngọc Tỷ thấy cha mẹ bảo vậy, sợ đến khóc, dốc sức năn nỉ: “Tha con lần này thôi, sau không dám nữa.”

Tú Anh mắng: “Hừ, mày còn muốn có lần sau à? Mẹ mua hai đứa chúng nó, là vì muốn chúng nó giúp đỡ mày, những chuyện mày không nghĩ đến thì chúng nó phải nghĩ thay, giờ chúng nó không được việc, còn giữ lại làm gì?” Ngọc Tỷ hoảng hốt, thấy không cứu nổi người, mà trưởng bối nhẹ dạ nhất trong nhà là Tố Tỷ hãy còn nằm liệt giường, chỗ cha mẹ không van nổi, bèn lao thẳng đến chỗ Tiểu Trà Đóa Nhi: “Muốn động vào người của con, thì đạp lên đầu con mà sang!”

Hồng Khiêm chỉ dùng một tay đã xách được bé lên: “Biết cách uy hiếp cha mẹ rồi đấy nhỉ?”

Ngọc Tỷ nước mắt nước mũi ròng ròng: “Nếu họ vì con mà phải chịu phạt, con cả đời không yên lòng.” Hồng Khiêm vung tay, Bổng Nghiên và Lai An bước vào, mỗi người một đứa, dựng hai nha đầu này dậy định kéo đi. Tiểu Trà và Đóa Nhi đã sợ đến ngây ra, lồng tôm rơi dưới đất, cá cũng đang giãy đành đạch trên nền gạch xanh. Hồng Khiêm tay trái xách con gái tay phải xách con cá lên, miệng cá hớp tới hớp lui như đang chào hỏi gương mặt nhỏ nhắn tèm lem của Ngọc Tỷ.

Hồng Khiêm nói: “Nước không quá gối mà có cá to đến thế này à? Cho rằng cha mẹ ngốc phải không? Còn dám nói xằng nói xiên! Phạt cô phạt cô phạt cái đứa không trung thực nhà cô! Trên đời biết bao người tài, cô nghĩ chỉ mỗi mình thông minh chắc?”

Ngọc Tỷ không khóc nữa, nhìn miệng cá hết đóng lại mở, hít vào thở ra, ngoảnh đầu sang nhìn Hồng Khiêm. Hồng Khiêm xoay mặt đi, hếch cằm, Tiểu Trà và Đóa Nhi lập tức bị lôi ra ngoài. Ngọc Tỷ kinh hoảng, hé môi nhưng chẳng nói được lời nào. Bấy giờ Hồng Khiêm mới đặt người và cá xuống đất, chân Ngọc Tỷ vừa chạm sàn đã nhũn ra, đau xót van Hồng Khiêm: “Chaaa!”

Hồng Khiêm nói: “Đứa con gái thông minh biết nói dối của ta lại muốn làm gì?” Nói đoạn giả khóc vài tiếng, “Cô nói dối cũng chẳng khéo vào đâu, ta thật chẳng mặt mũi nào mà gặp tổ tiên. Trong nhà mà còn trưởng bối, ta sẽ phải sang thỉnh tội mất.”

Tú Anh còn giận dữ hơn: “Lão an nhân bị cái sự khờ của bà ngoại mày làm tức phát khóc, còn mẹ sắp vì mày ngu ngốc mà bật khóc rồi!” Đoạn sai Tiểu Hỉ múc nước, rửa mặt chải đầu thay đồ cho Ngọc Tỷ. Quần áo là mợ Lý cầm đến, Ngọc Tỷ thừa lúc mợ buộc váy cho mình, lén hỏi: “Tiểu Trà tỷ và Đóa Nhi đâu ạ?”

Mợ Lý nghiêm mặt: “Bọn chúng gây ra chuyện như thế, tiểu thư còn giữ làm gì? Tôi cũng bị nương tử mắng cho một trận, suýt nữa cũng bán luôn rồi.”

Ngọc Tỷ nói: “Ta vẫn còn chút tiền riêng, nếu mẹ bán họ, ta lén rút bạc, mợ mua họ về lại cho ta…”

Mợ Lý kinh ngạc nhìn Ngọc Tỷ, hồi lâu không nói nên lời. Buộc xong váy cho Ngọc Tỷ, đưa bé ra dùng bữa. Bữa tối gồm cá chép kho và tôm luộc muối, một nồi bí đao mới hái hầm chung với sườn lợn, dùng cùng cơm gạo thơm. Ngọc Tỷ lại ăn không trôi —– Tiểu Trà và Đóa Nhi, không còn thấy mặt nữa.

Dùng xong bữa tối, Ngọc Tỷ lại đến thư phòng, mặt mày Tô tiên sinh như già thêm mười tuổi, ấy vậy mà bảo: “Là ta chưa từng dạy bảo trò cho tốt, Quân tử không đứng bên tường đổ, trò lại ra chỗ nguy hiểm mà chơi! Do ta thất trách vô năng!” Thầy Tô khi trước từng dạy Thái tử, thế nên bị nhiễm một thói xấu, Thái tử học dở thì thể nào thái phó cũng phải nhận tội liên đới, trở thành người không làm tròn trách nhiệm, bản lãnh không tới.

Ngọc Tỷ lúng túng nói: “Là lỗi của con, sao lại liên lụy đến nhiều người thế này?” Tô tiên sinh nghiêm túc quá.

Ngọc Tỷ nghiến răng, về chỗ Hồng Khiêm và Tú Anh nhận lỗi: “Ngàn cái sai vạn cái sai, đều là con sai. Do con suy nghĩ chưa tới, đầu tiên là tự quyết, sau là nói dối, xin cha mẹ cứ phạt tùy ý.”

Cụ Lâm nghe tin thì hoảng cả, lại sợ Ngọc Tỷ chim sợ cành cong, trở thành một Tố Tỷ thứ hai, bèn ra mặt: “Bệnh Tố Tỷ chưa khỏi, khoan hẵng bán người, lập công chuộc tội, coi như tích đức cho Tố Tỷ.” Sau đó kéo Ngọc Tỷ sang vỗ về.

Ngọc Tỷ nhào vào lòng cụ Lâm òa khóc, Tiểu Trà và Đóa Nhi lại được dắt ra, ba người ôm đầu mà khóc. Cụ Lâm bấy giờ mới bảo Ngọc Tỷ: “Đi đường ngay cũng có khi gặp quỷ, huống hồ gì các cháu đi lối tắt? Mọi sự lấy an nguy của bản thân làm đầu, trẻ con thích chơi đùa, nhưng cũng phải có chừng mực. Cha mẹ cháu cũng có cấm cháu ra ngoài đi dạo đâu? Chỉ giận cháu không biết quý trọng bản thân.”

Cụ Lâm lại mắng hai nha đầu: “Tiểu thư ham cái mới mẻ, muốn nghịch nước, chúng mày cũng không nghĩ thử xem, chỉ bằng hai đứa mà có thể trông được à?” Hai đứa hổ thẹn lắm. Cụ Lâm lại tiếp: “Nó muốn nghịch nước chúng mày nghịch theo, nó muốn giết người, chúng mày chắc sẽ đưa dao nhỉ?”

Ngờ đâu hai nha đầu lại đồng loạt gật đầu thật, cụ Lâm sợ đến mắt trừng trừng: “Chúng mày còn dám gật đầu?! Đấy là phạm pháp, phải đền mạng!” Bắt đầu muốn bán hai đứa. Ai ngờ Đóa Nhi thưa: “Vậy nếu tiểu thư muốn giết ai, con sẽ ra tay.” Hồng Khiêm trái lại nhếch mép: “Chỉ có lòng trung thành là đáng khen.”

Sự lanh lợi của Ngọc Tỷ đã quay về, nói: “Cháu sẽ không để người khác bắt em ấy.”

Hồng Khiêm mắng: “Đừng có nói gàn! Ta muốn bán nó, thì cô làm cách nào đây?” Ngọc Tỷ cắn môi dưới, không lên tiếng nữa.

•••••

Đã xảy ra chuyện như vậy, cụ Lâm càng nghĩ càng sợ, nói với Tú Anh: “Ngọc Tỷ to gan lắm rồi, phải kềm lại thôi cháu. Hai con nha đầu kia cũng vậy, lại dám làm càn theo Ngọc Tỷ mà không ngăn cản. Hôm nay ba đứa chúng nó có thể lội nước, ngày mai có thể cùng một giuộc bày trò quỷ rồi, bắc thang trèo tường có khi cháu còn không hay!”

Nói mà Tú Anh hốt hoảng, nàng từng nghe rất nhiều thoại bản kiểu kiểu “Đàn ghẹo Văn Quân*“ rồi, quyết tâm bảo: “Phải quản thúc rồi.”

[*Tích Tư Mã Tương Như đánh khúc “Phượng cầu hoàng” dụ dỗ Trác Văn Quân.]

Bên kia mợ Viên rầy Tiểu Trà: “Tiểu thư và Đóa Nhi đều còn bé, mày cũng thế à? Không biết nặng nhẹ đến mức này!” Tiểu Trà cũng ủ rũ nhiều ngày. Đóa Nhi cũng bị mợ Lý phạt một trận, ngoan ngoãn hơn.

Không ngờ Hồng Khiêm nhìn Ngọc Tỷ buồn bã vài ngày lại bắt đầu xót xa, thấy Tú Anh quản nghiêm, mới nói: “Trẻ con mà, càng quản càng bướng, con nó cũng không phải không hiểu chuyện, giảng giải cặn kẽ cho nó hiểu là được.” Lại dùng lời hay dỗ dành con gái, chàng và thầy Tô hai người, giảng đạo lý cho bé nghe. Những điều Hồng Khiêm dạy, chẳng gì ngoài những chuyện không nắm chắc thì đừng làm, làm người phải thành thật, những chuyện không giấu được thì đừng giấu: “Con xem người khác là đồ ngu, người ta biết rồi có bực mình không?” Cái đó gọi là thức thời.

Còn thầy Tô, đương nhiên là mấy câu kiểu “Quân tử không đứng cạnh tường đổ” rồi. Còn “Lời phải có uy tín” các loại, cũng giảng sơ qua. Nhất thời không kìm nổi, tuôn luôn: “Vua vua tôi tôi, cha cha con con. Ví như Thánh thiên tử, người mang lê dân thiên hạ, cũng không thể muốn gì làm nấy. Quan gia phạm lỗi, cũng phải hạ chiếu nhận tội, gặp nịnh thần, phải tiễn trừ. Sủng ái quá mức, biến sủng thần thành kẻ nịnh hót, ấy không phải là sủng, mà là hại.” Lại lấy ví dụ hôn quân vong quốc và gian thần, cả bọn đều xui xẻo, muốn cứu giúp lẫn nhau cũng không cứu nổi.

Ngọc Tỷ khắc ghi những điều này.

Để Ngọc Tỷ bớt ủ rũ, can đảm hơn, Hồng Khiêm sai người thuê hai thớt ngựa, sáng sớm và xế chiều trời mát, dạy Ngọc Tỷ cưỡi ngựa bắn cung. Mãi đến hôm ấy, Ngọc Tỷ mới thưa với Hồng Khiêm: “Cha, con hiểu rồi. Không gì ngoài ‘Đừng tự cho rằng mình thông minh’, ‘Trời đất vô tâm, tất cả mọi thứ đều chỉ là chó cỏ*’.”

[*Trời đất đối xử với mọi vật đều công bằng, sẽ chẳng thiên vị ai.]

Hồng Khiêm hỏi: “Nếu có một ngày Kim Ca cũng như con, con có muốn giết đám tôi tớ xui khiến thằng bé làm bậy không? Lẽ nào chúng nó lại không có lỗi? Nếu con thật lòng muốn tốt cho chúng, phải dạy chúng biết điều! Con càng phải hiểu chuyện hơn. Nếu chúng chỉ là đám khờ, nhân lúc còn sớm đích thân bán đi, để tránh đau lòng. Một con chó nuôi ba năm chết đi còn xót, huống chi là người? Chỉ xót người đáng xót, không đáng thì bán đi. Còn trách cha mẹ không?”

Ngọc Tỷ đỏ mặt: “Con cũng có phải không hiểu chuyện đâu.”

Hồng Khiêm ấy mới thở phào: “Cô là tổ tông của ta đấy! Con gái có thể đòi mạng cha già rồi!”

Trải qua chuyện này, Ngọc Tỷ trầm tĩnh hơn, tuy thường ngày vẫn nô đùa, nhưng lúc làm việc thì không như trước nữa, dường như đã thay da đổi thịt. Cả nhà thấy bé như thế, đều an tâm hơn.

Đóa Nhi cầm hai mạch tiền mua ít kẹo, làm theo cách Tiểu Trà dạy, cho vài thằng nhóc trong thôn, bảo chúng đánh cho hai đứa em trai con mẹ ghẻ mình một trận. Dặn: “Cắn chặt răng sống chết không nhận, chẳng ai dám làm gì mấy đứa, về đây còn có kẹo ăn.” Lúc nói chuyện, tay Đóa Nhi ròng rã mồ hôi, không ngờ đám nhóc nhận lời luôn.

Đóa Nhi kéo Tiểu Trà đến nhà mình, thấy em trai nằm trên giường, ấy vậy mà chẳng lấy làm xót thương. Tiểu Trà thì khoái trá, té ra hôm ấy mấy cô nhỏ theo Ngọc Tỷ đến đây, mẹ ghẻ xui em trai nó ra đòi tiền, hai thằng nhóc ỷ mình là anh em Đóa Nhi, xông thẳng vào người con bé, bẻ tay bẻ chân muốn lột đồ nó ra. Suýt nữa đã vạ lây Ngọc Tỷ, may mà có Tiểu Trà bảo vệ.

Mộ mẹ Đóa Nhi bên kia, tuy có trông coi nhưng quả thật không được như nhà người ta, hè mưa nhiều, bị xối đến sạt cả một mảng, Đóa Nhi đau xót cực. Nghe kế Tiểu Trà bày cho, quyết tâm gật đầu. Về nhà bảo: “Tôi đã được bán cho nhà chủ nhân, các người không có quyền quản nữa. Còn không đàng hoàng lại, đòi tiền tôi, tôi không động đến cha mẹ, nhưng bọn nó thì coi chừng!” Tuy cũng hơi khiếp, nhưng cuối cùng đã nói ra được, dứt lời chẳng thèm nhìn mặt cha mẹ nữa, kéo Tiểu Trà về.

Về đến phòng, nằm xuống giường mà tim vẫn đập loạn xạ, bình tĩnh rồi lại bật cười, nói với Tiểu Trà: “Đúng là sảng khoái!”

Ngày hôm sau, gia đình Đóa Nhi đúng là muốn làm ầm một trận, phải biết mẹ ghẻ nó giúp sửa mộ chỉ vì muốn lừa tiền xài, giờ thấy không cho tiền nữa, sao có thể bỏ qua? Đóa Nhi thà đem tiền cho đám trẻ ranh kia để có thêm tay chân, còn hơn cho bọn người đó. Lại đến nhà người thân than khóc: “Bán con đi rồi cũng không thèm sửa lại mộ mẹ con. Vậy con mới đến làm phiền nhà cậu.”

Cha ruột bán con, nhà cậu không quản được, nhưng mộ con gái xuất giá sắp mòn cả rồi, người nhà mẹ đẻ nổi giận, cũng muốn làm ầm một trận. Qua chuyện này, cha và mẹ ghẻ Đóa Nhi ngã đau không thôi, tự nhủ: “Nó lợi hại thế này rồi cơ à?” Không dám giở trò đòi tiền nữa.

•••••

Sóng gió lúc đầu trôi qua, hai nhà Trình, Hồng mới bắt đầu những ngày yên ả dưới quê. Mỗi ngày, sau giờ dạy hai học trò thì Tô tiên sinh lại đi hóng chuyện, Thịnh Khải cũng thỉnh thoảng đến thăm. Hồng Khiêm và thầy Tô lại không thích đến nhà họ Thịnh. Là do cha Thịnh cứ nghe có khách đến là lại kéo đi tán chuyện, ông ta mười mấy năm thi chẳng đậu nổi tú tài, đương nhiên chẳng có vốn để nói chuyện với mấy người bọn họ. Một số người không đỗ, là có tài nhưng không gặp thời, nhưng một số kẻ lại vô năng thật. Cha Thịnh thuộc tuýp sau, nhưng ông ta lại vin vào chuyện con trai là tú tài mà khoe mẽ, khiến Hồng Khiêm chán ngán, thầy Tô càng không thích, dứt khoát lánh mặt.

Mỗi bận Thịnh Khải đến chơi, Tú Anh lúc nào cũng thết đãi tận tình, Ngọc Tỷ thì lại không lộ mặt nữa, thay đổi triệt để, đọc sách thêu thùa, cưỡi ngựa săn thú.

Thầy Tô có lòng ái tài, thích cái sự tao nhã trượng nghĩa của Thịnh Khải, thường khuyên răn: “Chuyện văn chương, không nên xa rời đời sống. Muốn viết văn hay, thì tầm nhìn phải rộng, về thành ở thì tốt hơn.” Thịnh Khải đáp mình phải chịu tang, thầy Tô thở dài: “Đành vậy đành vậy.”

Thịnh Khải cũng không lấy làm gấp gáp, luận đàm lâu ngày với thầy Tô, bắt đầu nhận ra mình còn kém nhiều lắm, bèn bỏ khoa khảo mùa thu năm nay, chờ ba năm nữa, thấy nắm chắc rồi mới thi sau, thế mới an lòng. Năm sau xả tang rồi lại về Giang Châu, cũng không phải là không thể. Vừa nói thế, thầy Tô đã khen: “Không kiêu ngạo nóng nảy, giỏi lắm!”

Cứ thể ở quê hai ba tháng, đã đến lúc phải về thành.