Nữ Hộ

Chương 51: Tú sĩ

NÀO AI NGỜ, GÃ TRIỆU TÍN NÀY LẠI CÓ MỤC ĐÍCH KHÁC.

Hồng Khiêm dạy Ngọc Tỷ đánh bạc, hai cha con một mới học, một ôn lại, đều bừng bừng hứng thú. Tuy đã cố kiềm lại, nhưng vẫn chọc giận một người. Tô Trường Trinh chả phải người điếc, leng keng cả ngày, sao có thể không nghe thấy? Lập tức gọi hai cha con đến, khẽ tay mỗi người hai mươi roi, đánh Hồng Khiêm trước, xả hết sức rồi mới phạt Ngọc Tỷ, đòn nhẹ hơn một tý, vừa đánh vừa mắng: “Chỉ giỏi hư hỏng.”

Nhưng hai người này lại quá cứng đầu, Hồng Khiêm thì khỏi nói, trong mắt thầy Tô chàng chỉ là phường lưu manh, nếu không nể mặt cả nhà cụ Trình, thầy đã mặc xác chàng từ lâu. Ngọc Tỷ là học trò cưng, thông minh biết mấy, thế mà lại bị Hồng Khiêm dạy hư, thầy Tô cảm thấy thất bại cực, vừa đánh vừa giận, Ngọc Tỷ vẫn chẳng hề hấn gì, thầy đã giận đến suýt bật khóc: “Sao trò lại sa ngã tới độ này?”

Ngọc Tỷ thấy tình hình không ổn, vội vàng khóc hùa: “Là con không ngoan, thầy đừng giận mà.” Thầy Tô rời nhà đã lâu, cũng nhớ mong lắm, nhưng bây giờ thầy không về nổi, đã xem Ngọc Tỷ là cháu chắt mà yêu thương. Thấy Ngọc Tỷ xin tha mới nghiêm mặt răn dạy thêm một hồi, rồi lệnh học bài, vì tay sưng nên không bảo luyện chữ nữa, chỉ đưa mấy quyển sách dày bắt học thuộc.

Hồng Khiêm lén vỗ về Ngọc Tỷ: “Thầy của con là thần tiên chỉ cần uống sương qua ngày, không sống theo kiểu người thường, con thì phải lăn lộn dưới trần, thầy muốn tốt cho con nhưng nhiều khi không đúng cách. Con đừng để trong lòng, thầy cũng không có ý xấu.”

Ngọc Tỷ đáp: “Cha, con hiểu mà. Mà đừng có nói lời này trước mặt thầy đấy.”

Hồng Khiêm bảo: “Vài ngày nữa, chúng ta bế Kim Ca đến cho lão an nhân chăm, đến nhà ấy…”

Hồng Khiêm da dày thịt béo, tuy no đòn nhưng mười mấy ngày đã khỏi cùng lượt với Ngọc Tỷ. Hết đau thì ngoan ngoãn lại, hai người chuyên tâm học hành, rỗi rãi Ngọc Tỷ lại bồng Kim Ca, dạy nhóc đọc thơ, đến chiều, cha con hai người bế Kim Ca đến nhà họ Trình. Hồng Khiêm nói với thầy Tô: “Thằng bé rốt cũng họ Trình, nên quen với nhà ấy mới tốt.” Thầy Tô mới không ngăn.

Hồng Khiêm giao con trai cho cụ Lâm, lại nói: “Cháu dạy Ngọc Tỷ một số thứ, con bé phải đánh bài với nương tử phủ quân, không biết thì không hay. Tô tiên sinh là người cương trực, những trò này không tiện để thầy bắt được, biết lại giận dỗi.”

Cụ Lâm đáp: “Ta hiểu rồi, cứ giao cho ta. Giờ ta bảo Nghênh Nhi ra cổng canh chừng, nếu Tô tiên sinh đến sẽ báo lại cho cháu.”

Hồng Khiêm ngượng ngùng nói: “Cháu lại quên để lại người gác cổng mới chết.” Ngọc Tỷ thầm ghi nhớ, làm những chuyện này, phải bí mật mới ổn. Hồng Khiêm bảo: “Kim Ca còn nhỏ, an nhân chăm thằng bé cho kỹ, đừng để nó nghe thấy âm thanh này rồi nhiễm thói xấu, đợi khi trưởng thành, ý chí kiên định rồi học sau. Tiếng kinh Phật bên kia, cũng không nên để nó nghe quá nhiều.”

Cụ Lâm nói: “Phòng của Ngọc Tỷ vẫn còn, dọn dẹp sạch sẽ rồi mấy đứa qua đấy. Ta một mình chăm Kim Ca.”

Khi phải chơi thử thì gọi cụ Lâm và Tú Anh đến cùng, cứ đánh bài như thế vài tháng, đến tháng tám hoa quế ngát hương, vẫn chỉ giấu mỗi thầy Tô.

Trầy trật lắm Hồng Khiêm mới khen: “Giờ con cũng chơi kha khá rồi, nhưng đừng lún sâu vào thứ này. Rỗi rãi thì có thể chơi, nhưng ấy không phải chính đạo. Kẻ lợi hại có thể ra ngàn vạn mánh lới, rất khó đối phó, muốn bốc cây gì được ngay cây ấy.”

Ngọc Tỷ bật cười, thầm nhủ, đấy chẳng phải cha đang tự khen mình à? Những mánh khóe mà Hồng Khiêm cảnh báo Ngọc Tỷ, làm sao chỉ nhờ may mắn được? Tất cả đều dựa vào tay khéo não nhạy thôi. Ngọc Tỷ nghiêm trang đáp: “Ai lại chỉ cậy vào món này làm giàu? Trước giờ chỉ có tướng quân đánh giặc chứ không có tướng quân đánh bài, có tể tướng vung quạt chứ làm gì có tể tướng vung xúc xắc. Ruột xúc xắc đầy chì, chẳng tài nào bằng bụng đầy tinh ranh.

Hồng Khiêm nghe mà cười, dọn dẹp rồi về nhà, chăm chỉ học hành như cũ.

•••••

Thầy Tô bên kia vẫn cho rằng học trò ngoan ngoãn rồi, thấy vui trong lòng, hôm ấy ra đề cho Hồng Khiêm, bảo chàng làm thơ viết văn. Ngoài kia lại đem tin đến, báo phủ quân muốn cùng các tú tài, cử nhân thưởng cúc.

Lệ Ngọc Đường cũng khá ưa Hồng Khiêm, kể ra thì vẻ ngoài của Thịnh Khải còn hơi non, Hồng Khiêm lại vừa khéo, đương độ ba mươi, bắt đầu để râu, mặt trắng phối râu, ấy đích thị là tướng mỹ nam nhã sĩ. Vóc người cao lớn, mày kiếm lại thêm mắt phượng, cử chỉ nhã nhặn, Lệ Ngọc Đường khá là khuây khỏa khi trò chuyện cùng chàng. Chẳng ngờ chàng Hồng Khiêm này lại đóng cửa đọc sách, đến quan học cũng không thèm đi. Lệ Ngọc Đường đành phải xem chàng là “danh sĩ bị nghiện”, vợ con nhà mình cũng bảo vợ con Hồng Khiêm khá ổn, Lệ Ngọc Đường chuyện lặt vặt thì không dám mời, chuyện lớn mới không kiềm được mà mời chàng đến một chuyến.

Giang Châu thái bình, ngũ cốc bội thu lại chẳng có trộm cướp, chuyện lớn của Lệ Ngọc Đường, chỉ là có nhân vật quan trọng đến thăm, chuyện nhỏ đương nhiên là tự mình hứng lên, pha trà đun rượu, chè chén một bữa.

Vừa khéo Giang Châu tiếp đón một nhân vật hiếm có, Lệ Ngọc Đường lại nhớ đến Hồng Khiêm.

Chuyện này phải kể từ chính bản thân Lệ Ngọc Đường, vì sở thích của mình, Lệ Ngọc Đường thường xuyên đến quan học bách bộ, lúc đầu chưa lộ rõ, nhưng đến tận bây giờ, cả thành Giang Châu đều biết vị phủ quân này đây hơi hơi kỳ quặc. Những kẻ tự xưng là phong lưu, lập tức đến cắm hết tại thành Giang Châu. Trong số ấy đúng là có người hơi hướm phong nghĩa thật, quả nhiên đạt được sự tán thưởng của Lệ Ngọc Đường.

Một số tú tài cử nhân vốn tự học ở nhà, cũng đến quan học góp vui.

Vừa khéo có một người, trong số đông tài tuấn này, cũng gọi là nổi trội. Người này họ Triệu tên Tín tự Tử Thành, tuổi hơn hai mươi, tốt mã, hình tượng tài tử phong lưu trong lòng Lệ Ngọc Đường ra sao, vẻ ngoài gã y như vậy. Lại giỏi đánh đàn, đúng là hợp ý Lệ Ngọc Đường. Gã chưa có công danh, cũng chưa từng đi thi, nhưng cứ hễ ai đã trò chuyện với gã, đều khen người này cực tài hoa. Lệ Ngọc Đường vừa nhìn đã đổ, bèn mời đến xơi cỗ cùng những người mình ưng. Gọi cả mấy đứa con tới tiếp khách.

Hồng Khiêm đến nơi, thấy đám Thịnh Khải đều ở đây, ngoài ra còn có hai tú tài chung khóa với chàng, cùng vài cử nhân. Lại nhìn Triệu Tử Thành – vị khách chính hôm nay vận áo trắng, đúng là bay bổng tựa người trời, tuổi ngoài hai mươi, môi hồng răng trắng, mày tú mắt dài, đến cả khóe mắt cũng ý vị. Chỉ ngồi gảy đàn mà không trò chuyện cùng ai, Lệ Ngọc Đường cũng đang mê mẩn ngồi nghe. Dứt một khúc, Lệ Ngọc Đường bèn giới thiệu Triệu Tín với mọi người, Triệu Tín vái chào tất cả, khá kiệm lời, khẽ ngước mặt.

Trong đám có một tú tài thấy dáng vẻ của gã, hơi rục rịch lỗ tai: “Triệu Tín, cái tên này nghe quen lắm.”

Một tú tài khác bảo: “Ông có học hành đàng hoàng không đấy? Chẳng phải tên của một thằng Hung Nô còn gì?”

Một cử nhân đáp: “Các cậu biết làm sao được, rõ ràng là tên của một thằng vũ phu. Hàng Hán lại quy Hồ, rặt phường tiểu nhân.”

Hai tú tài mới đồng thanh nói: “Ra là thế, xin nghe chỉ dạy.”

Bọn họ giễu cợt Triệu Tín một hồi, người đọc sách từ bấy đã quen thói làm cao, tất nhiên vì một vài lý do khó nói mà nhận lời mời của phủ quân, nhưng ta đây là trí thức, phải ráng phông bạt cho bản thân, không muốn thể hiện mình quá a dua. Lại có tật “Văn nhân tương khinh”*, đến thì đến, nhưng họ không phục vị khách chính này, phải đâm chọt một phen. Cho dù ông già nhà Triệu Tín có không đặt cái tên xui xẻo này cho gã nữa, thì đám lưu manh giả danh trí thức này cũng vẫn có thể bới chuyện khác ra để bàn.

[*Trí thức thường khinh nhau.]

Trong số ấy cũng có một hai người từng trải điềm đạm, đứng giữa can ngăn: “Thôi thì giữ khẩu đức. Phong cảnh đẹp thế này, đừng làm mất hứng.”

Nào ngờ cả hai bên đều chẳng ai vừa ai, đám tú tài đương nhiên không chịu ngậm miệng, Triệu Tín cũng mỉa lại: “Có là tặc thì cũng ăn cơm, ông có ăn cơm không?”

Hồng Khiêm ngồi nghe họ khua môi múa mép, chỉ cười không nói. Lại chẳng ngờ gã Triệu Tín này lại có dạ khoe khoang, thấy trong đám người, Hồng Khiêm và Thịnh Khải là xuất sắc nhất, nhưng Thịnh Khải hãy còn non, giữa mâm cỗ chỗ Lệ phủ quân này, chỉ mỗi Hồng Khiêm cũng có vẻ hạc giữa bầy gà, chàng lại chẳng nói chẳng rằng, vừa khéo lại như đang chế giễu. Bèn có ý thử chàng một phen, thế là xin dựng bia đọ bắn.

Triệu Tín thạo cả món này, Lệ Ngọc Đường vui vẻ, vì Tử từng nói “Tất dã xạ hồ.”*

[*Khổng Tử: “Bậc quân tử không có chuyện tranh giành; ắt có thì ở cuộc bắn thôi.”]

Người đời coi thường con nhà võ, nhưng lại phục thư sinh vứt bút theo nghiệp binh, ý là nếu ông muốn làm chuyện thô lỗ, thì có cái mã tao nhã đi hẵng. Triệu Tín bắn hụt một tên, mười tên trúng chín, bảy ngay hồng tâm. Lệ Ngọc Đường lại càng tán tụng. Cửu Ca vẫn luôn xụ mặt đứng một bên, vô cùng chán ngán.

Trong đám thư sinh cũng có người bắn ổn, nhưng chẳng bằng Triệu Tín. Hồng Khiêm giương tên, đến nhắm cũng chẳng thèm, cứ bắn liên tục, thế mà tên nào tên nấy đều trúng, mười tên cắm hồng tâm cả mười. Tư thế chàng lại đẹp mắt, cha con họ Lệ nhìn mà mát lòng mát dạ. Dẹp cung, Hồng Khiêm chẳng nói năng chi, lặng lẽ lùi sang một bên, tự khắc có kẻ hò reo vì chàng.

Tuy nói văn nhân ưa khinh nhau, nhưng trí thức có công danh lại là một dạng khác, họ khá bao che lẫn nhau. Mấy ông không thấy trong triều, luôn có cảnh ông hạch tội bạn đồng lứa của tôi, tôi sẽ cắn ông tới chết à? Cả bọn khen Hồng Khiêm lên tới trời, mặc kệ Triệu Tín. Lệ Ngọc Đường lại bảo: “Tử Thành hãy còn trẻ, như thế cũng cừ rồi.”

Khiến cả đám thư sinh hơi ngượng. Sau đó là uống rượu ngắm cúc, lại phải làm thơ. Thơ của Triệu Tín, đúng là hay hơn mọi người, miễn cưỡng để gã giành ngôi đầu. Lục Ca kề tai Cửu Ca bảo: “Làm thơ quả không tới nỗi nào.” Cửu Ca mắt nhìn thẳng, nhưng tai run nhè nhẹ, đáp: “Nhởn nhơ chim hạc bay qua.” Lục Ca nghe vậy nhoẻn miệng cười.

Vì một trận đấu này, Lệ Ngọc Đường lại rục rịch trong lòng, nói: “Cuối thu trời mát, mấy ngày nữa, chư vị cùng đi săn với ta, được chứ?” Mọi người đồng ý.

•••••

Vài ngày sau, mọi người quả lại nhận được lời mời vây săn cùng phủ quân, không thể tay phải giơ ưng xanh, thì tay trái cũng dắt chó vàng. Lệ Ngọc Đường được Thân thị nhắc: “Ngũ Ca, Thất Ca, Bát Ca đều đã lớn, sao mình chỉ dắt theo mỗi Lục Ca, Cửu Ca ra ngoài?” Bèn đưa cả đám con trai đi theo.

Đám thư sinh khá chật vật, đi học vốn cũng phải lên ngựa, nhưng quá nửa là thuê ngựa để cưỡi, mấy ai đã từng vây săn đâu? Những gia đình giàu có, đủ vốn liếng nuôi ngựa tốt, thường tổ chức vây săn cùng mọi người lại không đủ tư cách nhận lời mời của phủ quân. Để gã Triệu Tín kia lại được dịp nổi trội. Vì Lệ Ngọc Đường không giỏi món này, sau khi khai tiễn thì lùi lại ngắm mọi người săn.

Tuy kẻ sĩ đều có chí ngang trời, đàn ông ưa rong ruổi nhưng vẫn kém một chút, gã Triệu Tín này lại khác, giục ngựa như bay, thỉnh thoảng bắn tên, quả là tiêu diêu tự tại. Lệ Ngọc Đường trông thấy, cũng lệnh mọi người thúc ngựa. Hồng Khiêm ghìm ngựa đứng một bên, không ra sân.

Anh em đám Ngũ Ca bên kia cũng có bản lĩnh, lại vì là con trai phủ quân, tôi tớ nào dám không ngầm giúp đỡ? Ngũ Ca đứng đắn, Lục Ca tốt bụng, chạy một vòng rồi về ngay, Thất Ca, Bát Ca cũng khá chín chắn. Chỉ mỗi Cửu Ca, siết cương mà phóng, đám tùy tùng sợ đến nỗi buột mồm gọi to, chỉ e y bị thương.

Lệ Ngọc Đường thấy thế, khen Triệu Tín hết lời, lại rầy đám con trai: “Rốt cũng chẳng bằng!” Rồi thấy Cửu Ca như nọ, Lệ Ngọc Đường mấy bận muốn xỉu: “Nó sao thế kia?” Hồng Khiêm trông sang, Cửu Ca rất tập trung, chẳng tý ngông cuồng, tư thế cực tốt, mỗi bận y bắn, hai ba tên đã trúng hoặc gà rừng hoặc thỏ. Lệ Ngọc Đường chẳng biết đang khiêm tốn hay đang phật lòng, luôn mồm bảo con trẻ vừa giống Diêm Vương vừa như giặc cỏ: “Cũng chẳng phải hai quân ra trận, vật lộn sống chết, cố sức như vậy làm gì?” Than xong lại khen Triệu Tín.

Triệu Tín làm màu ghê gớm, lúc thì cúi lúc thì ngửa, lại còn xoay người trên ngựa bắn nghiêng.

Hồng Khiêm nhướng mày, thúc ngựa lên trước, tay chân chàng cực lưu loát, hoặc trước hoặc sau, khi giương khi chùng, nhanh như gió. Động tác như nước chảy mây trôi, lại không mất vẻ anh dũng, Lục Ca chọt chọt Ngũ Ca: “Ấy mới là người tài, còn vị bên kia, như khỉ làm trò ý.” Ngũ Ca nghe mà mày mắt đượm ý cười, lại rầy Lục Ca: “Đấy là khách của cha, đệ ghìm bớt lại đi.”

Mọi người đi một vòng, cuối cùng tập trung lại một chỗ, Hồng Khiêm ra sân muộn nhất, song lại săn được nhiều nhất. Lại nhìn nơi trúng tên, đều là mắt, da lông còn nguyên. Lệ Ngọc Đường vui cực, lại bảo Triệu Tín: “Hai người các cậu đều là tuấn tài, nên thân thiết hơn.” Triệu Tín rốt vẫn bày ra vẻ thiếu niên phong lưu, cười khanh khách đáp: “Vốn tôi mong ước, song không dám cầu.”

Hồng Khiêm chỉ cười không đáp. Lệ Ngọc Đường lại rầy Cửu Ca: “Con xụ mặt là sao?” Mọi người vội khuyên can, lại khen Cửu Ca: “Thiếu niên anh hùng.” Lệ Ngọc Đường vẫn hơi bất mãn.

Hồng Khiêm chợt bảo: “Cửu Ca khá lắm.”

Triệu Tín cũng nói: “Quân tử không gắng không oai.” Đám Lục Ca thấy gã giải vây cho em trai mình bèn thu lại nụ cười giễu, bụng bảo dạ chẳng qua còn trẻ nên thích pha trò, tuy nói năng hơi tùy tiện nhưng không phải là người xấu.

Nào ai ngờ, gã Triệu Tín này lại có mục đích khác. Gã chưa có vợ, đến thành Giang Châu chợt rục rịch trong lòng, muốn kiếm một tấm vợ đẹp.