Nữ Hộ

Chương 68: Thân sơ

“MỘT KẺ QUẦN LÀ ÁO LƯỢT CHẲNG NHẼ VƯƠN VAI CÁI BIẾN NGAY ĐƯỢC THÀNH TRUYỀN LƯ, MỘT TRỜI MỘT VỰC THẾ CƠ MÀ?”

Đến trưa, Hồng Khiêm và các đồng niên ra quán rượu dùng bữa, buổi tập lễ nghi vốn có bao cơm, nhưng thời gian nghỉ trưa lại dài, tuy cả bọn cầm chắc tương lai tươi sáng, cưỡi ngựa xem hoa này đang đi học, song cũng chẳng muốn nhốt mình trong phòng tĩnh. Qua quýt miếng cơm bèn dắt díu nhau ra ngoài tìm món ngon.

Ba vị đầu bảng mệt hơn những người còn lại nhiều, vài hôm sau khi Quỳnh Lâm yến kết thúc, mọi người cưỡi ngựa dạo phố, ba người bọn họ phải giục ngựa đi đầu theo hình tam giác. Nên bây giờ ngoài chuyện lễ nghi còn phải thử ngựa, học cách khống chế ngựa trong tình huống đám đông chen chúc.

Đều là đàn ông, mệt mỏi cả buổi, chỉ muốn ăn thêm đôi miếng. Tuy cơm bao không dở, nhưng không bằng rượu thịt bên ngoài. Nhất là thám hoa lang năm nay mới trên hai mươi, đang độ ăn khỏe, vẻ ngoài nho nhã tuấn tú vậy thôi chứ trong lòng chỉ tiếc nỗi trước mắt không ê chề thức ăn để bồi bổ ngay tức khắc, đặng còn chống chọi qua cơn dày vò chiều nay.

Người đứng đầu tam giáp là dân kinh thành, biết lúc nghỉ sẽ có người kiếm thức ăn thêm. Bèn mách cách đấy không xa có một quán rượu: “Cơm canh rượu thịt ngon lành lắm. Vì quán nằm trên phố này, nên hằng năm tiến sĩ tới tập lễ nghi thường đến đấy dùng bữa. Nghe khen dữ lắm, bếp chính của quán là em trai của một ngự thiện trong cung, hẳn phải có bí quyết nấu nướng.” Lại không đòi tiền cơm của các tiến sĩ tân khoa, vì dù có là ai trong số họ viết cho bức chữ thôi cũng đã đủ trả bữa ấy rồi. Sang năm có sĩ tử mộ danh đến ngắm chữ của tiền bối, thì “chặt” sau.

Trong số các tiến sĩ tân khoa, có vài người trước đó đã bị chủ quán chém ngọt một mẻ, giờ vừa khéo nốc vài bữa gỡ gạc, cũng không lỗ vốn. Hơn trăm tiến sĩ, trên phố cũng có dăm ba quán rượu, ai nấy lôi đồng hương kéo bạn bè, xé lẻ ra. Hồng Khiêm là truyền lư, danh tiếng tốt, lại ít nhiều có quan hệ với Tô tiên sinh, khá được đám trí thức kính trọng. Mọi người chỉ tiếc con gái chàng đính hôn quá sớm, con trai lại chưa trưởng thành, không thể lập tức kết thông gia.

Khi ấy trạng nguyên công họ Bành tên Hải như vẫn chưa nhụt chí, nhà hắn có cô con gái, là con của thê tử kết tóc, năm nay lên năm, vừa khéo nhỏ hơn Kim Ca một tuổi, cực kỳ muốn làm sui với Hồng Khiêm, bấy giờ eo đau lưng mỏi gì cũng mặc, nì nài chàng. Hồng Khiêm đáp: “Tuy là con trai tôi nhưng lại không chung họ, chỉ e oan khuất cho con gái rượu nhà anh. Việc này cũng phải thưa rõ với mẹ vợ, ấy mới quyết được. Thực sự không dám đồng ý bừa, sau này lại thành trắc trở.” Bành Hải tiếc lắm.

Đương lúc chuyện trò lại chạm mặt một ông bác đứng tuổi, râu tóc hoa râm, đầu chít khăn lụa, qua lần lụa mỏng thấp thoáng trâm vàng búi tóc. Ăn mặc gọn gàng, áo bào mỏng màu nâu sáng, eo thắt ngọc bội, có một trường tùy trung niên và hai tiểu tư lanh lợi theo hầu. Chạm thẳng mặt, ông bác đứng tuổi này trước là kinh ngạc, sau mới nổi giận, thấy Hồng Khiêm chẳng cất tiếng nào, bèn giận dữ quát: “Thằng trời đánh này! Mày cũng còn biết quay lại, tao tưởng mày chết ngất đâu ngoài đường rồi!”

Hồng Khiêm làm mặt lạnh, các đồng niên thấy tình hình không ổn, Bành Hải bước ra trước nhất, chắp tay bảo: “Thưa cụ, tôi và vị đồng niên đây đều là tiến sĩ khóa này, cha cậu ấy mất sớm, phải chăng cụ đã nhận nhầm người?” Ông bác sửng sốt, ánh mắt lóe sáng quét thẳng sang Bành Hải, cộp mác trạng nguyên nên hắn chẳng sợ gì, bình tĩnh đối mặt.

Hai tay Bành Hải đầy những mồ hôi, vì đang phải học lễ nghi, hắn bèn tìm đọc quy chế pháp luật bổn triều hòng tham khảo, nhận ra ông bác này tuy ăn mặc có vẻ bình thường nhưng bên eo lại thắt ngọc bội chỉ có quan tam phẩm mới được dùng. Trước mắt đành ra vẻ không biết, còn cảnh đời của Hồng Khiêm đã được chứng thực từ lâu, mười mươi là người Giang Châu, thế thì làm sao có thể liên quan đến ông bác quan to trong kinh này được? Lại còn “trở về” nữa?

Ông bác ngờ vực săm soi Hồng Khiêm, Hồng Khiêm để yên cho ông quan sát, ông ta soi mà đôi mày cau chặt chập sắp nối thẳng vào nhau. Đoạn vung tay áo bảo: “Vậy mà giống đến lạ.” Bồ Khánh Tu người kinh thành đứng đầu tam giáp bên nọ vội tiến lên xoa dịu tình hình: “Chỉ là hiểu lầm, hiểu lầm.” Hồng Khiêm gật đầu, mặt cười nhưng lòng thì không, cử chỉ trịch thượng: “Thì ra là nhận nhầm.” Khiến ông bác tức độ suýt đã nghẹt thở mà chết, đám đồng niên thì chẳng cho rằng chàng nanh nọc, kể ra thì cho dù có là ai, trên phố không dưng bị ai đó chửi mắng dạy đời mình như con trai họ, đều sẽ không thể vui vẻ được.

Hai bên tách ra. Trường tùy và tiểu tư nhà ông bác bước tới dìu: “Thái công.” Ông ta xoa ngực bảo: “Đi dò hỏi thử, đám kia là người thế nào?” Tiểu tư cao hơn trong bọn bèn đi thăm dò, trường tùy lại an ủi: “Trông thì giống Đại Ca nhà chúng ta, nhưng vật giống vật, người giống người là chuyện thường, tiến sĩ tân khoa chỉ e khó mà nhận, với cả…” Đại Ca sao mà có bản lĩnh đỗ đạt thành tài kia?

Ông bác xoa ngực mãi, chỉ nghe tiếng tim đang đập: “Ta có cảm giác ấy chính là nó! Con trai ta, há ta lại nhận không ra!” Trường tùy không dám khuyên thêm, bèn chuyển đề tài, thưa: “Trưa rồi, tạm tìm quán trà nào ngồi ngơi chân đã ạ. Khu này khắp nơi toàn là tiến sĩ, Người cứ chậm rãi mà xem xét.”

Chuyện là ông bác này có một đứa con gái nhỏ, năm nay mười sáu muốn kén chồng, ông ta sợ giành rể ngay dưới bảng yết thì lại thành gả lầm gả lố hỏng đời con, bèn muốn tới nơi tề tụ tiến sĩ tân khoa này xem xét cho kỹ. Ông cho rằng nếu gặp ở buổi đàn tràng thì chưa chắc người ta đã thật lòng thật dạ, quan sát bí mật kiểu này mới có thể thấy rõ tính tình. Nào ngờ lại gặp một Hồng Khiêm! Ông tin vào cái gọi là linh cảm cha con, bắt tiểu tư nọ đi dò hỏi.

Bên kia, đám Hồng Khiêm bước bừa vào quán rượu, Bồ Khánh Tu thấy Hồng Khiêm có vẻ không vui, mà chuyện kia đúng là mất hứng thật, song ông bác ấy lại người không nên đắc tội. Bèn phân trần cùng các đồng niên: “Người kia là đại lý tự khanh đấy, chỉ mong Hồng huynh đừng để bụng, ông ấy là một người đáng thương. Ông ấy vốn là con trai thứ của gia đình hầu môn, lại không được tập tước*, bèn gắng công học hành đỗ tiến sĩ, kể ra cũng là bậc tiền bối của chúng ta. Vợ ông là người môn đăng hậu đối, nào ngờ mệnh bạc mất sớm, để lại đứa con trai. Sau đó ông tục huyền, có thêm ba trai một gái. Những người con khác đều ngoan ngoãn giỏi giang, chỉ có cậu cả, chắc hẳn những người hơi lớn tuổi vẫn còn nhớ, là một kẻ ngoa ngoắt.” Đoạn kể chuyện Chu Bái hư hỏng thế nào, mất tích ra sao.

[*Kế thừa tước vị.]

Bành Hải than một câu: ” Đáng thương thay tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ, dù con cái có thế nào, cha mẹ đều không nỡ xử tệ.” Bồ Khánh Tu cười đáp: “Thôi can gì tới chúng ta? Đừng đối chọi với ông ta là được. Mà dù hôm nay không xảy ra vụ nhận nhầm này, thì ông ấy cũng chẳng vui vẻ gì.” Thám hoa mới hỏi: “Sao lại thế?” Bồ Khánh Tu trả lời: “Mấy người con sau của ông đều giỏi giang hơn con trưởng, cậu hai chưa đến nhược quán đã đỗ tú tài, đậu cử nhân…”

Bành Hải cười hỏi: “Thế thì có gì mà không vui?” Bồ Khánh Tu nói: “Nếu cậu này từ lúc đỗ cử nhân đến giờ thi mãi mà vẫn rớt tiến sĩ thì sao? Chắc cũng mười năm rồi đó, quanh đi quẩn lại vẫn thế. Hai người con trai còn lại cũng êm xuôi đỗ tú tài, nhưng chẳng ai đậu nổi cử nhân. Giờ tự dưng gặp chư vị, há lại vui vẻ?” Thám hoa lang mới thở dài: “Đúng là khó cho ông ta rồi. Mà gia đình như thế, vẫn còn ấm chức mà.”

Hồng Khiêm nghe mà cười, lắc đầu bảo: “Thi mãi không đỗ vẫn ráng thi, hẳn có nguyên nhân. Chỉ e bề trên trong nhà không muốn cậu ta thăng tiến nhờ ấm chức.” Mọi người thấy chàng đã bình tĩnh lại, bèn cùng gọi món. Vì buổi chiều vẫn phải luyện lễ nghi nên không ai dám uống rượu, chỉ ăn cơm suông. Dùng xong bữa, bảo bê chè xanh lên. Bồ Khánh Tu mới hỏi: “Thấy sao? Cơm canh quán này cũng ổn nhỉ? Từ bấy cơm nước trong kinh là ngon nhất, là do ở đây quy tụ đủ loại người từ khắp mọi miền, muốn ăn món nào có món đó.”

Bành Hải bẻn bảo quê nhà mình có một món canh rất hợp miệng, thanh đạm ngon lành, dần dà cả bọn lại bàn tới ẩm thực. Hồng Khiêm bảo: “Phương bắc thích mặn, miền nam lại ưa ngọt. Trước đây khi chưa đến Giang Châu, thức uống quê nhà cũng tương tự như trong kinh. Sau này gia đình gặp họa, đành phải đi xa, đến Giang Châu lại khác. Mà phương bắc chuộng mì, miền nam lại ưng cơm.” Mọi người đa số ở bắc, chỉ có thám hoa là người nam, song hắn lại sõi tiếng quan thoại, nói chêm vào: “Đúng đấy. Trên đường tới đây, vì ăn uống không quen mà tôi còn sụt mất vài cân.”

Chuyện phiếm một lúc, quán cơm tới xin chữ, mọi người nhường nhau hồi lâu rồi Bành Hải mới ra tay, viết xong, cả bọn cùng về học lễ nghi.

•••••

Lại nói Chu Chấn nghe tiểu tư bẩm lại đầu đuôi ngọn ngành, quan nhân nọ dường như là người phương bắc trôi giạt đến đất nam, thì hơi khó chịu. Về nhà viết thiệp gửi sang thượng thư Hộ bộ, hẹn ông ta đi ăn cùng. Phu nhân Đoàn thị nghe tin ông về thì đến thư phòng tìm, ân cần chu đáo hỏi: “Có người nào xứng đôi với Tam Tỷ không ạ?”

Đoàn thị này là người khéo léo lả lướt, ánh mắt như biết nói, lúc trò chuyện luôn ân cần, dịu dàng lắm thay. Thị chẳng nhỏ hơn Chu Chấn là bao, cũng đã năm mươi có lẻ, nhưng trông như vừa mới bốn mươi, được chăm sóc rất tốt. Tam Tỷ mà thị nhắc là con gái ruột Chu Khiết, trước cô ta còn hai người chị thứ xuất, đã gả đi từ lâu.

Chu Chấn vốn có tâm sự, lãnh đạm đáp: “Làm gì có chuyện vừa nhìn đã chọn được? Ta còn việc phải làm.” Đã nói đến thế, Đoàn thị đành ngượng ngùng lui xuống, nhưng ra đến cổng vẫn dặn tiểu tư hầu hạ chồng cho tốt. Hai ngày sau đó, Chu Chấn không ra ngoài tìm rể nữa mà nhấp nhỏm trong lòng, lại hẹn dùng bữa với thượng thư bộ Lễ. Đoàn thị hỏi ông, ông cũng chỉ đáp qua loa.

Đoàn thị bèn gửi thư về nhà mẹ đẻ, chẳng mấy chốc đã có người từ đấy đến đón, thưa rằng mẹ thị nhớ mong con gái. Đoàn thị khăn gói về nhà. Mẹ thị hỏi: “Sao lại sốt sắng thế này?” Đoàn thị thưa: “Chẳng biết sao mà quan nhân bỗng để mặc chuyện tiến sĩ rồi. Tam Tỷ đã lớn, ông ấy không sốt ruột nhưng con thì có. Chi bằng nhờ cậu con bé để ý hộ xem có ai thích hợp, chúng ta thăm dò trước rồi nói với đương sự sau.”

Mẹ thị bèn khuyên: “Con đừng gấp gáp như thế, nhỡ lại chọc giận nó.”

Đoàn thị nhếch mép cười, đáp: “Tam Tỷ rốt lại vẫn là con gái ruột của con, chẳng nhẽ con lại không được làm chủ? Mấy năm nay con hạ mình làm bé cũng đã quá đủ rồi,” Căm hờn buông tiếng, “Năm ấy chỉ vì Oanh Nhi gọi Thanh nhi của con một tiếng Đại Ca, mà ông ta lại vung gậy đánh chết thị. Con trai cưng của ông ta chả biết đã biến quách đi đằng nào từ lâu, nếu không nhờ con tìm được Du Ca cho ông ta, thì thằng con cưng của ông ta đã tuyệt hậu rồi.”

Mẹ thị mới hỏi: “Con tính sao với Du Ca đây? Nếu nó thực là con trai thằng kia thì tại sao tên nó vẫn không được thêm vào gia phả, còn nếu không phải, tại sao chồng con lại vẫn cứ nuôi như thế? Có phải con của thằng kia không, con phải lo cho xong đi, bằng không nó đang mang cái tiếng con côi, sau này chia gia sản thì biết làm sao?” Đoàn thị đáp: “Con chẳng cần gấp, tự có kẻ quýnh quáng. Đám bên nọ còn mong thằng đấy có con để hôi phần kia kìa. Cần gì con đứng ra lo?”

Mẹ Đoàn thị biết nhà Nghĩa An hầu bên kia đúng là không thể cắt đứt mối quan hệ thông gia này, vì cháu ngoại thờ ơ, con gái được gả sang đấy cũng như vật đại diện cho cả gia đình, không tiện lật mặt, thế nên trước đây của hồi môn đều vẫn để lại ở nhà họ Chu. Khi ấy là lo nhỡ có một ngày cháu ngoại về mà mình lại rút hết của hồi môn thì thành ra vô lý. Sau đó thì như Đoàn thị đã nói “Vẫn muốn cái thằng kia có con để còn lấy lại gia sản”. Chu Chấn không đồng ý thêm Du Ca vào gia phả, sốt ruột nhất phải là gia đình Nghĩa An hầu.

Mẹ Đoàn thị bảo: “Có thể nương tay thì nương thay thôi con. Chỉ cần không gây trở ngại gì cho con, cứ vun vào đi.”

Đoàn thị đáp: “Mẹ bận lòng vì những kẻ ấy làm gì? Con lo liệu cho cái nhà này, có khi nào lại không dốc cạn sức? Nuôi con dạy cái có ai chê được không? Làm mẹ kế, nhẹ không được nặng không xong, con lẽ nào không mệt? Cái thằng đấy mời thầy về dạy, đổi hết người này đến người nọ mà vẫn không nên nết, cứng đầu trời sinh, nếu không nhờ con cắn răng chịu đựng mời thầy giỏi, rót cho một ít kiến thức thì lại chẳng bị miệng đời dèm pha là ngữ dốt nát ấy? Nó bảy tám tuổi, con đang có mang nó lại xô cho một cái, con không lo đâu đó sớm thì chắc chờ nó trưởng thành nhai sống mình à? Mấy kẻ ưa gây thị phi hầu nó, nếu không nhờ con phát hiện rồi đuổi đi, chưa chừng sau này còn dấy lên sóng gió này kia trong nhà. Có chuyện gì mà con làm không thỏa chưa? Chẳng lẽ con ruột của con ngoan ngoãn, con của thị nữ thứ thiếp cũng được con dạy dỗ đàng hoàng, chỉ mỗi nó hư đốn lại trách con? Cha nó hễ thấy mặt là lại rầy la, con đối xử với nó tốt hơn nhiều.”

Mẹ thị dặn: “Mấy lời này chỉ có thể nói ở nhà chúng ta, ra ngoài kia thì không được đâu nhé.” Đoạn thị hất mặt, nói: “Con đây chẳng phải đang sốt ruột thay Tam Tỷ ư? Ông ta đẩy sang cho con, chẳng rành rành ra đấy à? Con không nói cũng có kẻ khác dèm pha.”

Mẹ con hai người lại trò chuyện một chập, cuối cùng mẹ Đoàn thị cũng nhận lời con gái, chờ con trai Đoàn Hựu về nhà thì thuật lại, bảo ông xem thử trong các tiến sĩ tân khoa có ai thích hợp không. Đoàn thị hài lòng về nhà, em trai thị là Đoàn Hựu rỗi rãi bèn đến chỗ bộ Lễ xem xét đám tân tiến sĩ. Chẳng mấy ngày đã tái mặt mà về, mách mẹ: “Con thấy một người, khéo thay lại giống thằng bé Bái Ca trước kia bên nhà a tỷ.”

Mẹ ông lấy làm kinh hãi: “Sao có thể? Trước đấy chưa từng nghe tin mà.” Đoàn Hựu đáp: “Con đã hỏi kỹ crồi, người ta bảo đấy là Hồng Khiêm đất Giang Châu, tên không khớp, quê quán cũng lệch, nhưng vẻ ngoài lại giống hệt.”

Các tiến sĩ nghe Bồ Khánh Tu kể chuyện, cũng có kẻ ngờ vực: “Nhẽ nào thực sự là chàng ta?” Trong đám lại có người khịt mũi khinh thường: “Một kẻ quần là áo lượt chẳng nhẽ vươn vai cái biến ngay được thành truyền lư, một trời một vực thế cơ mà?” Tuy mọi người từng nghe qua câu “Lãng tử quay đầu”, nhưng quả thật khó lòng xem phường huân quý lêu lổng tiếng ác đầy trời và truyền lư kiên nghị nhân nghĩa mạnh mẽ tự lập là một.

Vì tiếng xấu của Chu Bái quá rình rang nên đã làm nổi bật hẳn cái tốt cái ngoan của đám con cháu ăn chơi của các gia đình khác, cha mẹ của đứa nào đấy ghét con mình hư đốn thì cứ đem so với Chu Bái, khi ấy sẽ cảm thấy con mình còn ngoan lắm. Khó ai có thể tìm được một lý do đủ tính thuyết phục để người ta tin rằng Chu Bái đã thay đổi. Kẻ có thể thay đổi chàng ta, chắc trình phổ độ phải cỡ Phật Tổ Bồ Tát tái thế.

Còn Hồng Khiêm lại tốt lành đến vậy, nhân nghĩa với gia đình bên vợ, phẩm cách cao thượng, lại không trốn tránh quá khứ đã từng ở rể. Nhìn thế nào cũng không giống kẻ ác trong lời đồn. Đến cả việc đi ở rể còn không tránh né, thì sao lại phải gạt đi cái thời niên thiếu lông bông? Chẳng qua cũng chỉ là thuở thiếu thời bồng bột, giờ đã đỗ truyền lư, cha con ôm nhau khóc một chập thì xong xuôi ngay ấy mà?

Các đồng niên tin tưởng nhân cách của Hồng Khiêm, hứa với nhau sẽ không bàn tán chuyện này để Hồng Khiêm khỏi phải buồn lòng, gia đình chàng cũng bớt lo lắng.

•••••

Tú Anh chưa biết gì về chuyện này là do Hồng Khiêm giấu rất kỹ, cũng không năng ra ngoài dạo phố. Người trong kinh biết mặt Chu Bái, nhưng lại chẳng nhiều người có cơ hội gặp Hồng Khiêm ngay cả khi vẫn nhớ mặt chàng sau mười mấy năm. Nàng chỉ việc thu xếp việc nhà sau khi đã gặp Ngô vương phi. Điều cần quan tâm trước mắt là sắp đến ngày cưới của Lục Ca, nàng phải đến nhà họ Lệ ăn cỗ, chuẩn bị quà biếu. Xét đến chuyện sau này người ta là chị dâu của Ngọc Tỷ, còn là cháu gái thượng thư, nàng chỉ e quà quá ít, không khỏi đắn đo tới lui, muốn thêm vào thứ này thứ nọ. Và cả chẳng rõ của hồi môn trong kinh sắp xếp thế nào? Sợ của hồi môn của Ngọc Tỷ quá ít, miệng đời cười chê.

Ngọc Tỷ và Cửu Ca, vì đang ở kinh thành và vì tiếng tăm của Hồng Khiêm đang nổi, sợ gặp mặt nhau nhiều quá sẽ bị dèm pha, đành phải nín nhịn. Bèn đọc sách chép kinh, thêu thùa may vá, thấy cụ Lâm và Tố Tỷ quá rỗi rãi thì kéo cả Tú Anh đến đánh mạt chược. Trên bàn mạt chược bèn bảo Tú Anh: “Vẫn chưa hạ tang Thái tử đâu ạ, ai khác thì không nói làm gì, chứ còn gia đình tông thất có ai lại không ngại tính chuyện cưới xin ngay dịp này chứ? Trước sau gì cũng phải chờ Thái tử an giấc nghìn thu mới bắt tay làm lễ, mẹ đừng vội quá làm gì.”

Tú Anh đánh một quân, đáp: “Cũng không phải chỉ vì chuyện cưới hỏi, cha con sắp ra làm quan, mà đằng chị dâu con lại đang giữ chức Lại bộ thượng thư. Tuy vẫn còn Tô tiên sinh chống lưng, nhưng thầy ấy cũng chỉ có một mình, nhà chúng ta lại không phải thân thích, sao có thể cứ cậy nhờ mãi? Mới cả nghe nói, trong cung còn một trận đấu to đang đợi thầy và vị kia kìa. Chỉ vì thi cử khóa này mới gác tay lại. Con không thử nghĩ mà xem, ngoài mặt thì hoãn, nhưng trong lòng chưa chắc đã không cuồn cuộn.”

Tố Tỷ chỉ việc đánh bài, cụ Lâm nói: “Cháu muốn nhờ vả cột chèo, cháu gái ông ta cũng không cha không mẹ, đến nhà chồng cũng phải dựa vào ai đấy. Ai nấy đều có cái cần nhờ cả, với lại cái danh truyền lư cũng chẳng đến nỗi nào. Cháu rể cũng không phải dạng vừa, gia đình mình trải bao gian khó đi từ Giang Châu mới đến được tận hôm nay. Tuy có làm quan đi nữa cũng chẳng đến phiên nó chọc vào mấy người tai to mặt lớn kia, không sao đâu.” Ngọc Tỷ cười đáp: “Cũng phải.”

Bốn người cứ đánh mạt chược như thế, rất chi an bình. Tú Anh nói: “Chỉ chờ vài ngày nữa Quỳnh Lâm yến kết thúc, quan nhân nhận chức quan kinh thành, gia đình mình cứ ở lại đây luôn nhé ạ. Dưới chân Thiên tử, đất lành.” Chuyện khác nàng không rõ lắm, nhưng vẫn hiểu cái lẽ “núp bóng quan lớn”. Chứ không phải không nhớ quê.

Tối Hồng Khiêm về nhà, đùa Tú Anh rằng hôm nay gặp một ông bác, Bồ Khánh Tu bảo ông ta là đại lý tự khanh, nhận nhầm mình là con trai mất tích vân vân. Tú Anh ngạc nhiên: “Sao lại nhận người lung tung thế? Giống đến vậy à?” Hồng Khiêm giễu: “Ai mà biết được.” Tú Anh mới thắc mắc: “Chẳng phải bảo đã mất tích mười mấy năm à? Chỉ mới chạm mặt đã nhận người khác ra con mình, là nhìn nhầm hay do nhớ mãi không quên?” Hồng Khiêm nói: “Quan tâm làm gì? Chuyện riêng của mình ta còn lo không xuể đây này. Mấy ngày nữa sau cỗ Quỳnh Lâm, mình cùng sang thăm hỏi Tô tiên sinh, rồi tới chùa Đại Tướng Quốc dâng hương nhé.”

Vài hôm sau, lễ nghi đã hòm hòm, tiến sĩ tân khoa ai nấy thay áo xống, đến dự Quỳnh Lâm yến. Trên mâm, các tiến sĩ tân khoa đương nhiên là đích ngắm của mọi người, có vài người thường ngày không dễ tiếp cận, những kẻ muốn làm thân đặng kết giao cầu hôn đều tự đi tìm mục tiêu của mình. Trong số ấy có vài người vừa thấy Hồng Khiêm đã như trông thấy quỷ, Hồng Khiêm đành vờ không thấy. Vẫn cứ ăn uống, nói nói cười cười.

Sau cỗ Quỳnh Lâm thì ai nấy đều được ban chức làm quan. Tôn thượng thư quan tâm đến cột chèo nhà mình, cho Hồng Khiêm vào Ngự Sử Đài, nhậm chức ngự sử thất phẩm. Còn đám trạng nguyên thám hoa văn hay chữ đẹp thì được xếp vào Quán Các giúp việc cho các học sĩ, nhậm chức biên tu này nọ. Mấy người còn lại cũng có kẻ ở lại kinh thành, nhưng phần nhiều sẽ phải rời đi các nơi làm quan địa phương.

Đám tiến sĩ mới đỗ đang độ gió xuân hớn hở, ai lại không nể mặt ba phần? Đến khi được phân công nhậm chức thì đã trở thành thuộc hạ của người ta, gió đã đổi chiều. Quan lớn hôm qua tán tụng ông, thoắt cái đã sai phái ông làm này làm kia. Có dịp nào mà không gặp tiến sĩ tân khoa tự cho mình là sao trời giáng thế, không chịu nổi sự chênh lệch này, nhất thời nghĩ không thông khiến bản thân lầm lỡ đâu?

Hồng Khiêm tạm thời không sầu chuyện ấy, là vì trên cỗ Quỳnh Lâm, Quan gia nhiều lần để ý đến chàng, cứ hễ nghị sự là lại bảo chàng góp vào vài câu. Lại thích biến chàng thành đích ngắm, suýt nữa thì chỗ ngồi đã bị dời tới trên cả Bành Hải rồi. Chúng quan trông thấy cũng chỉ biết kháo nhau “Quân thần hợp ý, là trời ban, không phải thứ mình mong là sẽ được.” Tôn thượng thư bụng bảo dạ, sắp cậu sui này một chức ngon là đúng.

Sao lại gọi là ngon? Thì là vì trước giờ hiếm có tiến sĩ tân khoa nào vừa đặt chân lên con đường làm quan lại được ban chức ngự sử chứ sao. Các nơi như Ngự Sử Đài và Quán Các, Thái Học đều là chốn thanh lưu, rất dễ nổi danh. Mà trong kinh bây giờ đang rình rang, Ngự Sử Đài cực kỳ được để ý. Hễ là người có lòng cầu tiến, không ham dưỡng già thì có ai lại không muốn giành miếng thơm này đâu? Huống chi Hồng Khiêm và Tô Chính là chỗ thân quen, làm ngự sử thanh lưu là đúng.

•••••

Hồng Khiêm về nhà sau khi dự yến, gia đình biết chàng được ban chức ngự sử, chẳng ai không mừng. Tú Anh liền muốn thu xếp chuyện mua nhà mới: “Trong tay đã đủ tiền, mua xong nhà còn thừa khoảng ngàn lượng, vừa khéo có thể mua thêm vài mẩu đất, đủ để sống trong kinh.” Hồng Khiêm bảo: “Đừng vội, Kim Ca đã lên sáu, đúng độ học vỡ lòng, giờ đã quyết ở lại đất này, cũng tiện học hành. Mình thu xếp quà biếu, chúng ta sang thăm Tô tiên sinh, xem con cháu thầy ấy học ở đâu, tiện bề kèm cựa.”

Tú Anh vui vẻ: “Quan nhân vẫn cứ giỏi sắp xếp như thế.” Đoạn vội đi chuẩn bị.

Lúc ấy Lệ Ngọc Đường cũng đến chúc mừng Hồng Khiêm: “Từ nay đã là quan cùng triều.” Lại thêm các đồng niên như Bành Hải được nhậm chức trong kinh, vì gia đình đều ở nơi khác nên được phép về thăm nhà, trước khi đi hẹn nhau đánh chén một bữa cáo biệt. Đi đi về về, cứ cảm thấy thường có người theo sau, ngoài cổng nhà cũng hay có kẻ theo dõi. Đến cả Tú Anh cũng nhận ra, hỏi Hồng Khiêm: “Trong kinh cũng có cái tục ngó nghiêng này à?”

Hồng Khiêm đáp: “Để ý đến chúng làm gì? Mình cứ trông nom cửa nẻo cẩn thận thôi.” Đoạn hỏi Tú Anh thu xếp quà cáp thế nào rồi, đặng sang thăm thầy Tô. Tú Anh nghe chàng nhắc đến Kim Ca thì bèn gác lại chuyện khác, tiếp tục bận rộn. Hồng Khiêm cũng được nghỉ phép nhưng không nhiều như bọn Bành Hải, vừa đủ để sang thăm nhà thông gia và cột chèo như Lệ Ngọc Đường, Tôn thượng thư. Với cả sang nhà Tô Trường Trinh bàn chuyện Kim Ca.

Tô Trường Trinh đang ở nhà, nghe Hồng Khiêm hỏi chuyện học hành, bèn đáp: “Đám tụi nó lớn thì vào Thái Học, nhỏ thì học cùng với nhà Lương Minh Sơn, Kim Ca cũng nên học vở lòng rồi, trò chuẩn bị thúc tu, ta dắt nó sang học lý bên nhà ông ấy một chuyến. Học lý bên ấy nghiêm ngắn, dạy cũng tốt, lúc rỗi tay Lương Minh Sơn cũng sẽ tham gia giảng bài. Nếu trò rảnh cũng có thể sang đấy luận đạo với họ.”

Hồng Khiêm cười đồng ý, Tô Trường Trinh lại bảo: “Trò đã nhận chức ngự sử thì phải có chí dẹp yên thiên hạ, ghét ác như thù, không được khoe tài. Gần đây trong triều rộn chuyện, phải đứng cho ngay.” Hồng Khiêm đứng dậy vâng lời. Tô Trường Trinh chợt thở dài: “Thương thay tấm lòng cha mẹ trong thiên hạ, dù trò có tính toán thế nào cũng phải rõ một điều, mọi chuyện không được trái với lương tâm.” Hồng Khiêm lại vâng dạ.

Con trai trưởng con trai thứ nhà họ Tô biết cha mình chính trực, chờ thầy nói xong chuyện chính mới xoa dịu: “Hồng huynh chẳng dễ gì mới đến đây một chuyến, mời xơi trà.” Lần trước đến đây, Hồng Khiêm khôn khéo nhận ra rằng không tiện đem cái danh học trò Tô Chính của con gái ra để xét vai vế, bèn tự thụt một bậc, trò chuyện bằng vai phải lứa với hai người này, còn về phần Ngọc Tỷ, thì “mỗi người tự xét”. Bởi thế hai người này mới gọi chàng là “Hồng huynh”.

Vị tiểu sư muội thân thiết kia của họ đang ngồi trước mặt Tô phu nhân, rũ mày cúi mắt cầm khăn tay, nghiêm ngắn như bức họa mỹ nữ. Người đang trò chuyện với Tô phu nhân là Tú Anh. Bà Tô hỏi chuyện Lục Tỷ nhà họ Lệ: “Ông nhà ta về bảo, sui gia quý phủ gia giáo tốt, đám cháu chắt nhà này học hành cũng tạm, làm việc cũng gọi là ngay thẳng, bèn muốn xin dâu thảo về. Ông ấy về bảo ta, Lục Tỷ nhà sui gia của quý phủ, đương độ kết thân, chẳng hay đã có hôn ước chưa?”

Tô phu nhân nào phải chưa từng dò la? Nhưng phủ Ngô vương lại có rất nhiều cô được gả cho nhà lái buôn, trong lòng bà thực ra cũng thấy không thỏa. Không phải coi khinh lái buôn, nhưng ấy rõ ràng là “giao dịch hôn nhân”, bất chấp máu mủ ruột rà. Tô phu nhân cảm thấy chưa chắc trong gia đình thương nhân thì không có đứa trẻ đứng đắn, nhưng cứ gả đi như thế, con gái sao ngẩng đầu nổi ở nhà chồng?

Giờ nghe Tú Anh nói bèn thuật lại chuyện trong phủ Ngô vương, bảo: “Vì chuyện này mà ta mới hỏi cặn kẽ gia phong nhà vị thiếu khanh này, mạo phạm chớ trách.”

Tú Anh nghe đoạn, rất muốn hai nhà kết thông gia, bèn nói: “Gia phong nhà ấy tốt thật đấy ạ. Nói thật lòng thì, nếu không tốt, sao cháu dám gả con gái mình sang ấy? Tuy nhà ông ấy có gốc gác vương phủ, nhưng cháu lại chẳng phải loại người bán cái cầu vinh. Chủ mẫu nhà ấy hiền lương thục đức, con cái của vợ trước cũng được nuôi dạy đàng hoàng, cưới cho vợ hiền dâu thảo, đối đãi với con cái thứ xuất cũng tận lòng tận lực. Nghe nói tông thất rất nhiều trường hợp sẽ gả con gái bậy bạ, nhưng con gái nhà ấy đều được nên duyên với thư hương thế gia hoặc thân sĩ, không hứa hôn tùy tiện. Lục Tỷ thì chưa nghe nói đã mối mai cho ai, cũng là do không muốn qua quýt.” Lại nói chuyện đâu khác thì không biết, nhưng những đứa đã kết hôn ở Giang Châu, rể hiền đều là dòng dõi thư hương.

Tô phu nhân đáp: “Ông nhà ta cũng nói thế, nhưng đàn ông thường cẩu thả, giờ thì ta an tâm rồi. Có một việc muốn nhờ Tú Nương đây.” Nháy mắt ra hiệu, dâu thứ của bà là Hồ thị, mẹ của Tô Bình bèn đứng dậy vái Tú Anh một cái, Tú Anh vội trả lễ. Hồ thị mới bảo: “Xin nhờ em sang bên ấy gửi gắm đôi lời.”

Tú Anh cười nói: “Lục Tỷ nhà họ đoan trang giữ lễ, là chỗ thân thiết với Đại Tỷ nhà em, cũng biết may vá thêu thùa, văn hay chữ tốt. Lệnh lang đã là cháu tiên sinh, chắc hẳn cũng ngoan ngoãn đứng đắn. Em xin xơi chén rượu bà mai vậy.” Tô phu nhân và Hồ thị bèn nắm tay Ngọc Tỷ, hỏi ngắn hỏi dài chuyện Lục Tỷ. Dâu trưởng của Tô phu nhân thấy mẹ chồng và em dâu có chuyện chính phải bàn, bèn chăm nom Kim Ca, đưa trái cây cho nhóc, lại hỏi nhóc đã đọc những sách nào.

Chẳng bao lâu sau, Tú Anh thấy trời đã đứng nắng bèn xin cáo từ, Tô phu nhân giữ lại, nàng bảo: “Nhà cháu hãy còn người lớn tuổi. Mai sáng cháu sẽ đến nhà chồng Đại Tỷ, nếu suông sẻ thì chiều lại sang đây báo tin, được không ạ?” Bà Tô mỉm cười cảm tạ.

Vừa khéo Hồng Khiêm cũng vì đã trưa, cáo từ bước ra, hai vợ chồng đều đang mỉm cười, nhìn thấy nhau đã biết cuộc gặp mặt hôm nay suông sẻ. Ra khỏi cổng nhà họ Tô, Tú Anh và Ngọc Tỷ lên kiệu. Hồng Khiêm bế Kim Ca lên ngựa trước rồi cũng xoay người lên ngồi sau, một tay giữ cương, tay kia ôm con, thúc ngựa đi chậm, kể chuyện kinh thành cho nhóc nghe.

Đến trước cổng nhà thuê, Hồng Khiêm chợt có cảm giác là lạ, ngoảnh đầu thì thấy ngoài ngõ có một thiếu niên choai choai đang đứng. Thiếu niên tầm mười lăm mười sáu, đứng dưới trời trưa, nhìn không rõ mặt, mặc đồ xanh sẫm, sau lưng có một tiểu tư theo hầu, thấy chàng nhìn sang, thiếu niên chăm chú nhìn lại. Kim Ca thấy thế, ngước đầu gọi: “Cha.” lại quay sang hai chiếc kiệu gọi mẹ và chị, Hồng Khiêm trở người xuống ngựa, bế nhóc xuống.

Lúc nhìn lại thiếu niên ấy thì người đã đi mất, tiểu tư đuổi theo gọi “Du Ca”, Hồng Khiêm đưa mắt ra hiệu, Bổng Nghiên hiểu ý, lén đi theo sau.

Thịt lên tiếng: Cha Hồng chuẩn bị công tác đâu vào đấy.

Chương sau, Tú Anh nã pháo. Hồng Khiêm bắt đầu gây hấn ~ Cha Hồng ra tay ác lắm ~