Vạn Giới Vĩnh Tiên

Chương 1: Q.1 Chương 1: Trời Sinh Thạch Nhân (1)

Năm Khai Nguyên thứ ba triều Đại Tùy, thiên tai xảy ra.

Vẫn thạch tính theo con số hàng nghìn, bốc cháy thành ngọn lửa màu đỏ máu hãi hùng, kèm theo địa chấn, núi lở, biển động… ập tới các châu huyện.

Nhất thời, Đại Tùy vương triều ngập trong than oán.

Từ thiên tử cho đến thảo dân, không ai quên nổi năm đó.

Vũ Long hoàng đế của Đại Tùy vừa đổi niên hiệu hạ liền ba đạo chiếu tự vấn tội, đổi lại thành "Thiên Thuận".

Thiên tai tiếp diễn suốt ba tháng, liên tục có cấp báo đóng dấu đỏ do khoái mã đưa về kinh sư. Dân chúng kinh sư chỉ cần thấy chiến mã sùi bọt mép vì mệt mỏi, kỵ sĩ cũng tàn tạ không kém vẫn liên tục quất roi lao trên đường là lại buồn bã, biết có địa phương nào đó gặp nạn. Mỗi lần cấp báo có nghĩa là vừa mất mấy nghìn, thậm chí hơn vạn tính mệnh vô tội!

May mà sau ba tháng, chiếu tự vấn tội của thiên tử tựa hồ có tác dụng, thiên tai quỷ dị chưa từng có dần kết thúc, mười mấy ngày liền không có cấp báo nữa.

...

Hôm nay là ngày đẹp trời, ở nơi quanh năm mưa gió như La Mi sơn gần Dự Châu ở Đại Tùy cũng quang đãng, ngày như thế này vốn không nhiều trong năm.

Trẻ con Liên Hoa Đài thôn xong buổi học, hớn hở ra về.

Tôn Lập đã mười ba tuổi hòa vào dòng người. Phu tử đứng ở cửa, mỗi học sinh đi qua đều chào từ biệt.

Phu tử là một văn sĩ gầy gò ngoài bốn mươi, nghe nói đạt công danh tú tài. Từ cổ quanh La Mi sơn phụ đã văn phong hưng thịnh, tiểu thôn trang như Liên Hoa Đài cũng mời phu tử đến dạy trẻ con.

Chỉ là lớn như Tôn Lập đã thành lao động chính trong nhà, mỗi ngày sáng lên lớp nghe phu tử giảng giải thư kinh, chiều về làm việc đồng áng.

Môn sinh đắc ý có thành tích học hành đi qua chào, phu tử tất nhiên mỉm cười, có khi xoa đầu khen thêm mấy câu.

Môn sinh nghịch ngợm cứng đầu thì phu tử nghiêm mặt nhắc nhở.

Tôn Lập đi qua, cúi đầu cung kính nghiêm cẩn: "Bái biệt phu tử."

Phu tử gật đầu, phất tay cho gã qua.

Không khe cũng không nhắc. Không có gì đặc biệt.

Tôn Lập đã quen rồi.

Ở Liên Hoa Đài thôn, gã không nổi bật, nhiều sự việc hoặc người khác đều vô tình bỏ qua gã.

Nhưng gã biết mình không nhàn nhạt như người ta tưởng. So với toán trẻ con này, gã khác hẳn.

Rời năm gian nhà tranh học quán, gã thong thả về nhà.

Một toán đồng học bá vai bá cổ nhau: "Tam tử, chiều nay làm gì?"

"Chán thật, phu tử bảo đọc “Dịch” kinh, thứ đó đọc thế nào cũng không hiểu, là sao nhỉ?"

"Hắc hắc, hay là chiều nay đi bắt cá?"

"Không, bắt hôm qua rồi."

"Hay là đi trêu con gái Lý quả phụ?"

"Hắc hắc, được đấy..."

"Ha ha ha!"

Đấy đều là con cái phú hộ trong thôn, không phải lao động, đầu sỏ là Điền Anh Đông - nhi tử của Điền thôn trưởng.

Điền Anh Đông thấy Tôn Lập đi cạnh đó thì mỉm cười cổ quái gọi: "Lệ Lệ, trưa nay tiếp khách hả?"

Cả toán cười vang.

Tôn Lập biết chúng cười nhạo tên mình.

Gã là con cả, phụ thân đặt cho cái tên đó là hi vọng tương lai gã gánh vác được Tôn gia.

Không biết từ khi nào trong thôn đồn rằng Nghê Hồng lâu ở huyện thành có một ca kỹ tên "Lệ Lệ", bọn Điền Anh Đông lấy làm thú vị, thời thường dùng tên này trêu Tôn Lập.

Tôn Lập làm lơ, bọn Điền Anh Đông tưởng mình đắc thắng, cười nhạo một lúc thì bỏ qua gã, đi tiếp.

Tôn Lập lắc đầu, hơi nhăn nhó, nhớ đến một câu trong sách: ngơ ngơ ngác ngác, dung nhân tự lấy làm vui.

Hành vi mà chúng lấy làm thú vui đó chưa từng thật sự làm nhục được Tôn Lập: khỉ nhe răng với người để dọa dẫm, liệu người có thấy thất bại không?

Gã đọc sách từ bé, mười ba tuổi đang là lúc hình thành tư tưởng.

Toán thiếu niên phía trước vẫn hi hi ha ha, chợt một dải xích hồng sắc hỏa diễm lao nhanh từ trên không xuống. "Ầm" một tiếng, nổ vang giữa cả toán.

"A..."

Mấy tiếng rú vang lên, có ba bốn thiếu niên ngã xuống, có đứa bị thương vì sức nổ, có đứa cháy quần áo.

Điền Anh Đông cách xa hơn nên may mắn thoát được, sợ đến nhợt nhạt mặt mày. Ngây người nhìn đồng bạn thụ thương mà không biết nên làm gì.

Hai người bị hỏa thiêu, lăn đi theo bản năng để dập lửa.

Hai người bị thương vì sức nổ, một bị ở mặt, một ở tay, vết thương rất sâu, đau đớn rên rỉ.

Tôn Lập kinh hãi nhìn thinh không, chợt tỉnh lại gào to: "Chạy mau..."

"Vù, vù, vù..."

Từng đạo xích hồng sắc hỏa diễm xuyên qua thinh không giáng xuống, nhỏ cũng cỡ nắm tay, to thì như đầu người.

Cả toán hồn phi phách tán, rú to, đưa sách lên che đâu, chạy tứ tán.

Thinh không trong veo có ba kim hồng sắc hỏa cầu cực lớn từ từ rơi xuống, theo phương hướng thì rõ ràng vào Liên Hoa Đài thôn!

Phần lớn hỏa cầu bao quanh ba quả lớn nhất này rơi xuống đất trước.

"Vẫn thạch! Chạy mau!"

Cả thôn hỗn loạn, gặp phải thiên tai thế này, có ai trong sơn thôn nhỏ xíu này bình tĩnh nổi. Gà bay chó chạy, trẻ con khóc, đàn bà kêu gào, đàn ông gầm hét, tất cả hòa thành một mớ.

Tôn Lập kinh hãi nhìn ba viên hỏa diễm lưu tinh lớn nhất, lưu tinh kéo theo cái đuôi lửa dài, phía trước là hỏa diễm quang tráo chói lòa, thể tích cực lớn, thậm chí gấp mấy lần lưu tinh lớn nhất trong lần thiên tai này được Đại Tùy hoàng triều lưu truyền.

Mỗi viên hỏa cầu đi cùng giáng xuống là mặt đất rung lên, lại thêm nhà cửa trong thôn rung chuyển.

Ai nấy hoảng hồn, biết lưu tinh to thế này va xuống tất sẽ có hàng loạt tai họa tiếp theo, lại gần tiểu sơn thôn thế này, họ không thể thoát được.

Hoảng loạn rồi thì bó tay chờ chết. Ai nấy nhìn ba quả hỏa diễm lưu tinh to nhất giáng xuống, tuyệt vọng nhắm mắt lại.

Nhưng sau đó, đại địa chấn không xảy ra như dự liệu, tiếng rít của lưu tinh lướt trên không cũng tắt, ai nấy mở mắt từ từ, chỉ thấy ngọn núi sau thôn ngùn ngụt khói...

Ba quả hỏa diễm lưu tinh lặng lẽ giáng xuống, thậm chí mặt đất không hề rung lên, thôn dân đang hoảng loạn nhìn nhau, không dám tin là đã qua được tai kiếp dễ dàng đến thế, như thể không ai hiểu sao Diêm vương gia không bắt mình.

Trong núi rừng rực lửa, đừng nói cứu hỏa mà đến gần thì thôn dân cũng không dám, như chim sợ cành cong. Chợt có người chỉ vào đám khói đặc, kinh hãi hỏi: "Hình như có gì ở đó!"

Thôn dân vội đến xem, khói bốc lên ngùn ngụt nên không nhìn rõ nhưng hình như có thứ gì đó ở trong, hơn nữa vừa to lớn vừa hung ác!

Cái gì nhỉ?! Thôn dân run như cầy sấy.

...

Sang ngày thứ bảy, cơn mưa đột ngột đổ xuống mới dập tắt lửa.

Từ lúc mưa bắt đầu rơi, thôn dân tụ tập hết lại, run rẩy nhìn về phía lưu tinh đã rơi, tựa hồ chờ đợi lời phán xét đến sinh mệnh họ. Khói đặc từ từ tan đi, thứ ở trong đó lộ ra.

Ba pho thạch tượng cực lớn đứng sừng sững trong núi.

Nơi này tuy chỉ là ngoại vi La Mi sơn nhưng núi non cũng ấy trăm trượng. Có điều những đỉnh núi đó chỉ tới gót chân thạch tượng.

Thạch tượng trông đều dữ dằn, từ trên cao nhìn xuống như khinh rẻ cả thế giới!

Thạch tượng bên trái có trăm con mắt, bên phải trăm tay, tựa hồ đứng đầu là pho ở giữa nhưng pho nay không có gì đặc biệt, trông quá bình thường, chỉ là cao hơn.

"A!"

Thạch tượng to lớn hung ác thế này, thôn dân đều thấy không lành, sắc mặt cực kỳ khó coi. Điền thôn trưởng định báo tai nạn lên thượng cấp nhưng Liên Hoa Đài thôn không tổn thất gì lớn, do dự rồi đành lắc đầu quan sát.

Nói ra cũng lạ, ba thạch tượng to lớn như thế nhưng chỉ ở Liên Hoa Đài thôn mới nhìn thấy, rời thôn là chỉ thấy mây khói.

Hiện tượng này khiến không ít thôn dân xì xầm bàn tán, cho là trời cao giáng tai họa cho Liên Hoa Đài thôn!

Không đầy mấy hôm, thôn dân tự bảy hương án, giấy tiền nến hương cung phụng ba sát thần. Ngày nào cũng có người đến vái lạy.

...

"A Lập, đến đây lạy một lạy cầu thạch thần tha tội cho nhà chúng ta, giữ cho cả nhà hưng vượng."

Tôn Lập bị mẫu thân kéo, miễn cưỡng quỳ trước hương án. Nhưng gã luôn có cảm giác không nói rõ được về ba thạch tượng.

Hương án đã đọng một lớp nến, vàng nến bốc khói nghi ngút, qua làn khói, Tôn Lập chợt cảm giác được ngoài núi xa, thạch tượng ở giữa hình như nhìn gã!

Tôn Lập cười thầm mình hoa mắt.

"Mau lạy đi, xem đệ đệ con lạy rồi kìa." Mẫu thân giục.

Nhị đệ Tôn Thuần rất nghe lời, thành kính quỳ vái, trán va xuống nền đá côm cốp. Tôn Lập hiếu thuận: "Mẹ, con lạy đây."

Gã giơ ba nén hương, cung kính vái ba vái, đứng dậy cắm hương vào bát.

Một giọng nói xa xăm vang ngay bên tai: "Đến đây..."

Sát na sau đã vang vọng núi non!

Tôn Lập dựng tóc gáy: "Hả?"

Gã nhìn quanh, mẫu thân đang nhắm mắt cầu khấn, đệ đệ Tôn Thuần đã chạy qua một bên, nghịch côn trùng trong bãi cỏ, côn trùng dựng lông đủ màu lên thị uy.

Tôn Lập lấy làm lạ: mình nghe nhầm hả?

"Đến đây, đến đây..."

Tôn Lập giật mình: "Ai!?"

"Con sao lại sợ thế hả? Mau quỳ xuống với tạ tội thạch thần, nếu thạch thần trách tội thì cả nhà đều không yên lành đâu." Mẫu thân vội kéo gã.

Tôn Lập đành làm theo. Mẫu thân lầm rầm, toàn những lời xin thượng tiên thứ tội.

Rồi nghi thức cũng kết thúc, mẫu thân đứng lên, kéo Tôn Thuần, gọi con cả: "A Lập, về thôi, mẹ không về nấu cơm, cha con chết đói mất."

Tôn Lập mỉm cười, đi theo. Được mười mấy bước, gã không nén được ngoái nhìn, giữa mây khói, rõ ràng thấy khóe môi thạch tượng ở giữa khẽ động.

"Đến đây..."

Giọng nói lại vọng tới, Tôn Lập kinh ngạc: "Mẹ, lão nhị, có thấy ai nói không?"

"Làm gì có ai nói?" Tôn Thuần bĩu môi.

Mẫu thân cũng lắc đầu: "Nói lung tung gì hả, chỉ có mẹ, làm gì có ai nói?"

"Nhưng con nghe thấy có tiếng người..."

Mẫu thân gí tay vào trán gã: "Con ốm hả."

"Mẹ!" Tôn Lập gạt tay mẹ: "Con thấy môi thạch tượng hơi động, đang nói với con mà..."

"Chát!" Trán Tôn Lập bị mẫu thân cốc: "Thạch thần là đá, sao lại máy môi nói chuyện với con được? Không được nói lung tung, hàng xóm mà biết sẽ cho là con trúng tà."

Trúng tà!

Lần trước có người trúng tà bị thiêu chết, thân nhân cũng bị bức phải rời Liên Hoa Đài thôn lưu lạc tha hương. Thôn dân luôn sợ hãi những tai họa liên quan đến quỷ thần.

Tôn Lập rùng mình, nhắm mắt không dám nói nữa.

Đi được mấy dặm, gã lại ngoái nhìn, mây trắng trên đỉnh đầu ba thạch tượng vẫn bất động. Gã cực kỳ nghi hoặc.

...

Mỗi sáng, trước khi phu tử giảng kinh thư, trả con lại lạy hình thánh nhân. Tranh hình thánh nhân treo trên tường học đường nhiều năm, đã ngả vàng. Tôn Lập nhìn mấy năm, không thể quen thuộc hơn nữa.

Cúc cung đứng dậy, trong mắt gã, tranh thánh nhân biến thành hình dáng thạch tượng, môi khẽ động, cất giọng sâu thẳm xa vời: "Đến đây..."

Tôn Lập ngẩm người.

...

Gã không biết mình có trúng tà không, nhưng từ hôm nghe thấy thạch tượng, dù ở đâu làm gì gã cũng nghe thấy giọng nói đó gọi mình.

Giọng nói đâu đâu cũng thấy đó cơ hồ khiến gã phát điên!

"Nếu trúng tà, thì để mình ta gánh, không liên lụy người nhà."

Tôn Lập ngồi cạnh giường, đi đến quyết định.

Gã lén mở cửa đi ra, chạy nhanh ra hậu sơn. Trong màn đêm, thạch tượng trông càng hung ác đáng sợ, Tôn Lập không hiểu vì sao mà không thấy sợ, cứ lao nhanh đến đó!

Từ khi thạch tượng rơi xuống đây, không ai dám tới gần vạt rừng này.

Trương Tam “lột da” trong thôn nổi tiếng to gan, một lần đánh cược ba hũ rượu lâu năm với người ta, nói là dám đến sờ thạch tượng, kết quả mới nửa đường đã vỡ mật chạy về, ốm nặng nửa tháng, không dám nhắc gì đến những thứ đã thấy hôm đó.

Tôn Lập lớn lên trong núi, cặp chân đã được rèn luyện, nhưng chạy hết tốc độ cũng tận quá nửa đêm mới tới gần thạch tượng.

Gã đầm đìa mồ hôi, quần áo ướt nhẹp, tóc bết lên trán, dùng cả tay lẫn chân mới bò lên một đỉnh núi, không nhìn mà gào to với ba thạch tượng: "Ta đến đây!"

Thanh âm vang vọng, phảng phất vô số sơn tiêu lệ quỷ cùng nhắc lại: "Ta đến đây..."

Chim rừng sợ hãi đập cánh, âm thanh phành phạch quái dị vang động.

Trong bóng tối, Tôn Lập nhìn rõ ba thạch tượng cúi nhìn mình!

Thạch tượng trăm mắt bên trái lắc lắc đầu, mỗi con mắt nhìn gã một lần.

Bị nhìn vào, đầu óc Tôn Lập kêu ong ong, lắc người, mềm nhũn ngã xuống!

...

Tôn Lập cảm nhận giấc ngủ đó không ngon, tỉnh lại còn thấy mê man, trong giấc mơ có người liên tục nói gì đó...

"Thiên địa lưỡng nghi, âm dương tương hóa... Chưởng ép lên thiên địa, mắt chấn nhiếp âm dương!"

"Cửu trọng cực pháp, tiên ma đầy trời, diệt tính vô tưởng, lay núi dốc biển. Dù đại đạo vô cùng, ta có nhất niệm tùy tâm, con đường chinh phục dằng dặc, không thấy cổ nhân, chỉ có mình đi tới..."

"Dung nhân tự nhiễu, phàm nhân ngưng luyện, đạo nhân điều nhiếp, hiền nhân hợp chân, chân nhân thủ thần, chí nhân tụ thần, thánh nhân nhiếp không, tiên nhân vô ngại..."

"Thiên địa bất nhân, coi vạn vật như cỏ rác, cỏ rác nghịch thiên, nghịch tu đoạt mệnh là tiên!"

"Đại đạo tam thiên trọng, thế nhân đều coi đạo là cánh cửa lên cõi tiên, ta tự mở đường riêng, mệnh không ở trong ngũ hành, hồn không ở lục đạo!"

"..."

Âm thanh hỗn loạn vào với nhau, cơ bản gã chưa nghe thấy bao giờ.

Đáng hận nhất là không chỉ một giọng nói là ít nhất hai giọng tranh cãi, còn có cảm giác: có thêm kẻ thứ ba. Chỉ là người thứ ba không hề mở miệng, không rõ vì sao.

Thỉnh thoảng có hình ảnh thoáng qua, giữa hư không, mắt bách nhãn cự nhân rực lên vô số quang mang, nhìn qua là từng vì sao rơi rụng!

Lại có bách tí cự nhân, chân ấn vào vô cùng hư vô, mỗi tay đỡ một đạo tinh hà!

Người thứ ba như hư như ảo, cố định cả vũ trụ càn khôn...

Loạn xà ngầu chứ không thanh tịnh!

Gã ngồi lên lắc lắc đầu, tỉnh táo một chốc rồi nhìn ra cửa sổ, đã gần trưa rồi.

Tôn Lập chợt rùng mình: không phải gã ở trong núi sao, thấy ba thạch tượng rồi ngất đi, sao lại tỉnh dậy trên giường?

Gã đứng phắt dậy, khóe mắt có thứ gì đó thoáng quá, ngoái nhìn thì ngẩn ngơ: trên cái bàn sứt sở cạnh giường có ba thạch nhân nhỏ xíu.

Thạch nhân chỉ cỡ nắm tay, trông có phần thô thiển nhưng là ba thạch tượng ở hậu sơn sau thôn!

Tượng bên trái bách tí, bên phải bách nhãn, ở giữa cực kỳ bình thường.

Chỉ là nhỏ hơn không biết bao nhiêu lần.

Chợt bên ngoài có tiếng hô kinh hãi: "Thạch tượng, thạch tượng không còn! Thạch tượng không còn..."

Tiếng người xôn xao dần, ai nấy bàn luận việc thạch tượng hung thần sát sao lại biến mất vô ảnh vô tung sau một đêm. Đủ kiểu đồn đoán.

Tôn Lập nhìn ba thạch nhân nhỏ xíu, không dám tin: là họ sao?!

Phải hay không thì gã cũng không dám cho ai biết về ba tiểu thạch nhân, càng không dám nói về việc đêm qua. Hà huống, gã còn không hiểu sao mình về được.

Gã vội thu ba tiểu thạch nhân lại, mở cửa ra ngoài.

"Cha, mẹ."

Đang tiết nông nhàn, phụ mẫu không rời nhà, thấy gã là cả hai mỉm cười, mẫu thân nghe bên ngoài có tiếng ồn ào thì liếc cha Tôn Lập, lão Tôn không tỏ vẻ gì thì bà dừng việc: "Thạch tượng không còn? Sao lại thế, đương gia, thiếp ra ngoài nghe ngóng..."

Phụ thân Tôn Lập đương nhiên biết tính vợ, chỉ cười không nói, mẫu thân gã đã bước nhanh ra.

Tôn Lập do dự một chốc rồi quyết định không cho phụ mẫu và đệ đệ biết về tiểu thạch nhân – cả nhà người "trúng tà" trước đó bị đối đãi bi thảm khiến ra chột dạ, quyết tâm: nếu trúng tà thì mình gã chịu, tuyệt không liên lụy người nhà.

...

Năm Thiên Thuận thứ hai triều Đại Tùy, Tôn Lập đã mười lăm nhưng chưa thành thân.

Nhà gã cũng có bát ăn bát để tại Liên Hoa Đài, gã trông cũng sáng sủa, không có điều tiếng gì nhưng hôn sự không lần nào thành, đối phương có đủ lý do khiến cha mẹ gã không nói gì được.

Phụ mẫu dần sốt ruột, Tôn Lập vẫn như thường, gã rất đồng ý với câu đãi bôi của bà mối: duyên phận chưa tới.

Gã thấy như có thứ gì đó đợi mình, ba kẻ trong óc liên tục tranh cãi.

Vẫn là hai người cũ tranh cãi nhưng Tôn Lập cảm nhận được người thứ ba tồn tại, người dó trầm ổn như hồng hoang thần sơn, không thể lay động.

Hai người kia tranh cãi rất to, như tiếng sấm vang.

Nửa năm đầu còn chỉ cãi nhau khi gã ngủ, sau đó thì bất kể lúc nào. Có lúc gã đang uống nước thì nghẹn họng, nước chảy lên tận mũi...

Nhưng cứ liên tục nghe thì gã dần hiểu họ tranh luận về phương pháp "Tu hành" hư vô phiêu diêu.

Theo lời họ, thế giới này có một nhóm người là "tu sĩ", phân chia người trong cả thế giới thành các đẳng cấp.

Thông thường thì không đạt cả "phàm nhân", cả đời ngơ ngơ ngác ngác, đến rồi rời thế giới này trong tình trạng mù mờ, không hiểu được gì. Người như thế chỉ là "Dung nhân" .

Trên dung nhân mới là "Phàm nhân".

Tập luyện võ nghệ, căn cốt cứng cáp, đạt đến đỉnh cao, được tôn xưng "Thiên hạ đệ nhất" cũng chỉ miễn cưỡng là "Phàm nhân".

Tu sĩ chỉ cần tu luyện giản đơn nhất là đạt tới cảnh giới "Phàm nhân".

Trên phàm nhân còn lục đại cảnh giới: Đạo nhân, Hền nhân, Chân nhân, Chí nhân, Thánh nhân, Tiên nhân, mọi tu sĩ đều nỗ lực vì mục tiêu thành tiên nhân.

Nhưng không phải ai cũng có tư cách tu luyện, tựa hồ cần yêu cầu hà khắc gì đó nhưng là yêu cầu gì, Tôn Lập không biết.

Tôn Lập bị tiếng cãi nhau giày vò suốt hai năm cũng không hiểu làm cách nào để tu luyện.

Ích lợi duy nhất là khi gã thấy thứ gì đó, nếu quý giá một chút là có tiếng nói nhắc nhở.

Hai năm nay, gã liên tục vào sâu trong La Mi sơn, thi thoảng thấy thảo dược trân quý thì được giọng nói nhắc nhở, lại hái về cho phụ thân mang bán, thu hoạch không tệ, nhờ thế Tôn gia xây được nhà mới.

Phụ thân gã rất tự hào, thường khoe khoang về con với người ngoài.

Trừ thảo dược, trong núi còn đá, sừng thú, xương thú cổ quái, có lúc giọng nói đó cho gã biết danh xưng, công hiệu nhưng gã không hiểu, có điều vẫn thu lại. Những thứ đó không bán được, gã lấy một cái túi cho vào, coi là đồ chơi.

Dù phụ thân gã khoe con thế nào, Tôn Lập vẫn là thiếu niên dễ bị mọi người bỏ qua như hai năm trước.

Vì trong hai năm này, một thiếu niên khác của Liên Hoa Đài quật khởi như sao băng chói rực!

Là nhi tử của Điền thôn trưởng: Điền Anh Đông.

Điền Anh Đông cũng mười lăm, chưa thành thân, nhưng Điền gia cự tuyệt ít nhất hai mươi vụ mai mối.

Điền Anh Đông vốn nghịch ngợm, sau khi ba thạch tượng rơi xuống hậu sơn thì thất tung thần bí rồi như khai khiếu, nhìn qua là không quên, chỉ một tháng là thuộc hết Tứ thư ngũ kinh, thậm chí cả những sách vở lạ lùng cũng nhớ được quá nửa. Phu tử vui mừng, dạy dỗ được một đệ tử như thế thì ông ta cho là không sống uổng kiếp này!

Sau đó Điền Anh Đông biểu hiện càng kinh nhân, dần nổi tiếng tại địa khu La Mi sơn vốn văn phong hưng thịnh. Thư sinh bàn về tài tử trẻ tuổi đều xếp y đứng đầu. Thậm chí không ít đại nho Dự Châu cũng cho là rèn luyện thêm vài năm, Điền Anh Đông đủ thực lực bẻ cành quế ở kỳ thi điện (đỗ đầu trong kỳ thi trạng nguyên sẽ được hoàng đế vời vào điện bẻ cành quế - ND)!

Ngường ngoài không biết là Điền Anh Đông không chỉ văn tài hơn người mà dũng võ phi phàm, một tay nhấc được cục đá ba trăm cân, mùa đông năm ngoài y cùng huyện lệnh tiểu thư mộ danh mà tới, đi dạo trong núi, gặp một con hổ đói, y tay không giết được mãnh hổ khiến huyện lệnh tiểu thư xiêu lòng.

Điền thôn trưởng mừng không để đâu cho hết, nhi tử văn võ song toàn, tất nhiên sẽ rỡ ràng dòng tộc. Ông ta muốn nhi tử an tâm học nghiệp, thành thân phải để thi cử xong đã, biết đâu nhi tử đạt cả văn võ song trạng nguyên, được thiên tử ban cho hôn sự!

Có Điền Anh Đông nổi bật như thế, Tôn Lập càng lép vế.

Dù cha gã cố khoe thế nào, trong mắt người khác, Tôn Lập vẫn chỉ là một hậu sinh tầm thường.